Văn hóa - Giải trí
Nơi lưu giữ ký ức làng đá mỹ nghệ Non Nước
Cách danh thắng Ngũ Hành Sơn và chùa Quán Thế Âm không xa, Bảo tàng Ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn) vừa đi vào hoạt động từ cuối tháng 4-2023. Đây là bảo tàng ngoài công lập thứ 3 được UBND thành phố cấp phép hoạt động với nhiệm vụ lưu giữ và giới thiệu đến người dân, du khách những giá trị của làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước qua từng giai đoạn lịch sử.
Bảo tàng Ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn) tọa lạc dưới chân ngọn Thủy Sơn ngay góc đường Huyền Trân Công Chúa và Trường Sa. Ảnh: X.D |
Lan tỏa giá trị làng nghề truyền thống
Bảo tàng Ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước mang trong mình một nét kiến trúc hoài cổ, mộc mạc, nhưng chứa đựng những giá trị khó có thể đong đếm về làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, với bề dày hơn 400 năm lịch sử. Trong không gian rộng hơn 700m2, bảo tàng đang lưu giữ, trưng bày hơn 300 di vật có tuổi đời từ 50-100 năm, đều được làm hoàn toàn bằng phương thức chế tác thủ công.
Bên cạnh đó, các khu vực trưng bày của bảo tàng được sắp xếp, bố trí theo tuyến tham quan khoa học, từ khu truyền thống, giới thiệu làng nghề, tôn vinh nghệ nhân; khu giới thiệu nghề thợ rèn, dụng cụ làm đá thuở ban sơ; khu giới thiệu các loại đá dùng để chế tác, đến những sản phẩm điêu khắc đá mỹ nghệ được hoàn thiện tinh xảo. Đến đây, khách tham quan không chỉ được chiêm ngưỡng những dấu tích thời gian của làng thủ công, quá trình hình thành một sản phẩm điêu khắc đá, mà còn được tìm hiểu khái quát về truyền thống của một làng nghề độc đáo vào hạng bậc nhất của Việt Nam.
Bảo tàng này được hình thành từ ý tưởng cũng như khát vọng xây dựng một nơi lưu giữ ký ức về làng nghề điêu khắc đá Non Nước của ông Lê Văn Hòa - từng là một nghệ nhân điêu khắc đá và là người con của quê hương Ngũ Hành Sơn. Hơn 10 năm nay, ông cùng các cộng sự đã dày công sưu tầm hiện vật, xây dựng, kiến tạo không gian trưng bày bảo tàng với tất cả tâm, sức và tài chính.
Theo ông Lê Văn Hòa, trước đây, một sản phẩm điêu khắc đá phải mất nhiều tháng mới có thể hoàn thiện. Còn nay, các phương pháp điêu khắc thủ công dường như đã đi vào quên lãng với sự vào cuộc của máy móc. Nghề làm đá trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn, nhưng sản phẩm điêu khắc đá dường như mất đi cái “hồn” do nghệ nhân thổi vào. Đây là trăn trở thôi thúc ông theo đuổi ước nguyện thành lập Bảo tàng Ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước.
“Ngày qua ngày, tôi tìm kiếm những tư liệu, sản phẩm chế tác đá xưa để góp nhặt và kể lại câu chuyện thăng trầm của làng nghề hơn 400 năm tuổi. Qua đó, lưu giữ những ký ức đẹp về làng nghề, lan tỏa cho thế hệ mai sau nối tiếp truyền thống của cha ông, đồng thời đóng góp vào sự đa dạng của du lịch địa phương”, ông Hòa trải lòng.
Thêm một địa chỉ văn hóa đáng đến
Dù mới mở cửa hơn 1 tuần nhưng lượng khách đến tham quan bảo tàng tương đối ổn định, duy trì ở mức gần 100 lượt người/ngày. Trong tương lai, với việc kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành, nơi đây sẽ là một điểm đến lý tưởng trong hành trình tham quan, tìm hiểu các di tích, di sản trên địa bàn thành phố của du khách.
Đến Bảo tàng Ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, chị Nguyễn Thị Phương cho biết, thông qua việc tham quan bảo tàng, chị có cơ hội tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của làng đá mỹ nghệ Non Nước.Bên cạnh đó, được thuyết minh viên giới thiệu về một số chất liệu đá khác nhau; những phương pháp chế tác xưa và nay, phân biệt sản phẩm từ đá tự nhiên hay nhân tạo.
“Tôi rất ấn tượng với các hiện vật đang trưng bày ở bảo tàng cũng như những câu chuyện mà bảo tàng kể cho khách tham quan. Có lẽ, du khách nước ngoài cũng sẽ rất thích thú với bảo tàng này. Vì vậy, bảo tàng nên sẵn sàng đội ngũ thuyết minh viên thông thạo nhiều thứ tiếng để có thể giới thiệu cho khách tham quan đến từ các nước trên thế giới”, chị Phương bày tỏ.
Là người trực tiếp tham gia thẩm định giá trị và xây dựng các bộ sưu tập trưng bày của bảo tàng này, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho rằng, những tác phẩm đang lưu giữ ở Bảo tàng Ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước có thể coi là vô giá. Bởi lẽ, đây là sản phẩm do các nghệ nhân nổi tiếng, tâm huyết với nghề từ thế kỷ trước làm ra như: Nguyễn Sang, Lê Bền, Nguyễn Long Bửu, Nguyễn Việt Minh… Họ là những nghệ nhân đã đi qua năm tháng thăng trầm của làng Non Nước, cả cuộc đời gắn liền với đá để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật sắc nét, độc đáo. Mỗi tác phẩm, hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước là minh chứng cho sự cộng hưởng của khối óc, bàn tay nghệ nhân và vật liệu mà tạo hóa ban tặng cho vùng đất này, tạo nên một nét đặc trưng riêng, độc đáo, mang hồn cốt của vùng đất địa linh nhân kiệt.
“Đây chính là những di vật để lại dấu ấn đậm nét về văn hóa, tinh thần của đời sống con người vào những thế kỷ trước. Những sản phẩm điêu khắc đang trưng bày ở bảo tàng này sẽ góp phần lan tỏa giá trị về văn hóa, con người Non Nước, Ngũ Hành Sơn nói riêng, Đà Nẵng nói chung đến với bạn bè, du khách bốn phương”, ông Thiện nhấn mạnh.
XUÂN DŨNG