Văn hóa - Giải trí
Phát triển hệ thống bảo tàng ngoài công lập
Cùng với các bảo tàng Nhà nước vốn quen thuộc đối với hầu hết người dân thành phố, hiện Đà Nẵng có 3 bảo tàng ngoài công lập (Bảo tàng Đồng Đình, Bảo tàng Văn hóa Phật giáo, Bảo tàng Ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước) đang lưu giữ, trưng bày hàng nghìn hiện vật quý hiếm và có giá trị. Sự góp mặt của những bảo tàng này giúp hạn chế tình trạng thất thoát cổ vật, giúp thành phố có thêm địa điểm cho công chúng tiếp cận, thưởng lãm di sản văn hóa cũng như điểm đến phục vụ du lịch.
Bảo tàng Đồng Đình mang nét kiến trúc cổ kính, hòa quyện vào thiên nhiên là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách khi ghé thăm Sơn Trà. TRONG ẢNH: Các em nhỏ Trường Mầm non Mitsuba đến tham quan Bảo tàng Đồng Đình. Ảnh: PV |
Lưu giữ nhiều cổ vật giá trị
Trong hệ thống bảo tàng ngoài công lập của cả nước, các bảo tàng tư nhân ở Đà Nẵng mang những nét đặc sắc rất riêng, thể hiện dấu ấn văn hóa đặc trưng của địa phương hoặc mang giá trị “độc nhất vô nhị”. Trong đó, đáng chú ý là Bảo tàng Văn hóa Phật giáo tại chùa Quán Thế Âm (quận Ngũ Hành Sơn), hoạt động từ đầu năm 2016 đến nay. Đây là bảo tàng đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam lưu giữ, trưng bày những cổ vật giá trị của văn hóa Phật giáo Việt Nam và một số quốc gia châu Á. Hòa thượng Thích Huệ Vinh, Trụ trì chùa Quán Thế Âm cho biết, Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đang trưng bày hơn 500 cổ vật có niên đại từ thế kỷ 7-8 đến vài ba thập kỷ gần đây, được các trụ trì chùa Quán Thế Âm sưu tầm trong hơn 20 năm qua.
Đặc biệt, nơi đây lưu giữ nhiều bộ tượng Phật quý hiếm, có giá trị về nghệ thuật lẫn tạo hình, được các chuyên gia đánh giá ngang tầm bảo vật quốc gia như: tượng bạch ngọc Quan Thế Âm tống tử, nhóm 8 tượng Phật Mật Tông, tượng Phật Di Lặc… “Các cổ vật trưng bày ở bảo tàng đều trải qua quá trình thẩm định khoa học, chọn lọc công phu của các chuyên gia đầu ngành. Tất cả đều mang giá trị tinh thần và vật chất to lớn, cần được bảo tồn, phát huy cũng như tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu”, Hòa thượng Thích Huệ Vinh chia sẻ.
Là bảo tàng ngoài công lập ra đời sớm nhất ở Đà Nẵng (năm 2011), Bảo tàng Đồng Đình nằm trong không gian xanh mát của núi rừng Sơn Trà và mang những giá trị văn hóa, nghệ thuật độc đáo. Theo anh Lê Đặng Hải Long, quản lý Bảo tàng Đồng Đình, bảo tàng được chia thành 4 không gian tham quan, gồm: khu ký ức làng chài, 2 nhà trưng bày cổ vật và khu dân tộc học.
Hiện nay, bảo tàng trưng bày hơn 100 hiện vật cổ và hàng trăm dụng cụ, vật dụng của các dân tộc, nền văn hóa xưa. Trong đó, điểm nhấn là các hiện vật thuộc văn hóa Sa Huỳnh và Chăm với bộ sưu tập đồ gốm cổ, bộ sưu tập gốm Đại Việt đa dạng từ thời Lý, Trần, Lê Mạc, triều Nguyễn. Đặc biệt, không gian ký ức làng chài tái hiện một cách chân thực đời sống của những ngư dân làng chài Nam Thọ - một trong những làng xuất hiện từ thế kỷ 15 ở Đà Nẵng, với những vật dụng như thuyền nan, lưới chài cá, ngư cụ đánh bắt…
Tất cả được bày trí tự nhiên, sống động, lột tả cuộc sống bình dị của ngư dân làng chài xưa. “Vào mùa du lịch, bảo tàng đón hàng trăm lượt khách đến tham quan mỗi tháng, nhất là khách nước ngoài và các bạn trẻ. Hiện nay, bảo tàng đang bố trí lại một số không gian trưng bày với định hướng bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên nhằm tạo sự gần gũi cho công chúng để chiêm ngưỡng không gian kiến trúc, dòng chảy văn hóa lịch sử”, anh Long chia sẻ.
Tạo điều kiện cho các bảo tàng ngoài công lập phát triển
Nhờ thuận lợi về chủ trương, chính sách từ Trung ương đến thành phố, các bảo tàng ngoài công lập có cơ sở ra đời và phát triển. Tuy nhiên, để các bảo tàng ngoài công lập phát huy tương xứng với tiềm năng thì vẫn còn khá nhiều thách thức, đến từ việc tự chủ nguồn kinh phí, thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp.
Mặt khác, chủ sở hữu của các bảo tàng ngoài công lập đa phần không phải là người làm bảo tàng chuyên nghiệp. Vì vậy, phong cách và chất lượng trưng bày của bảo tàng ngoài công lập khó có thể bảo đảm nếu thiếu sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Vỹ, để tạo điều kiện cho các bảo tàng ngoài công lập, bảo tàng xã hội hóa phát triển, sở đã có những chính sách hỗ trợ về pháp lý, đất đai cho các bảo tàng có không gian hoạt động.
Bên cạnh đó, hướng dẫn cho các bảo tàng về nghiệp vụ, cách thức trưng bày, phân loại, bảo quản, thông tin tư liệu, kiểm kê hiện vật cũng như công tác quảng bá. Về chủ trương, ngành văn hóa khuyến khích các tập thể, nhà sưu tập tư nhân hướng đến xây dựng những bảo tàng ngoài công lập thiên về trưng bày cổ vật, mỹ thuật...
Thành phố cam kết tạo điều kiện, khuyến khích các tập thể, cá nhân tham gia sưu tầm, trưng bày hiện vật, xây dựng bảo tàng tư nhân. Thông qua đó, hạn chế tình trạng thất thoát cổ vật, góp phần đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong hoạt động văn hóa, tạo nên sự đa dạng cho hoạt động giới thiệu, quảng bá di sản phục vụ công chúng.
X.DŨNG