Xây dựng môi trường làm phim thuận lợi tại Đà Nẵng

.

Xây dựng cơ chế chính sách, chương trình hỗ trợ các đoàn làm phim đến Đà Nẵng; kiến tạo không gian làm phim, phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho hoạt động điện ảnh là những nhiệm vụ quan trọng để thành phố phát triển điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế và tạo vị thế trong khu vực.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến phát biểu tại hội thảo “Phát triển công nghiệp điện ảnh - Xây dựng môi trường làm phim thuận lợi tại Đà Nẵng”. Ảnh: X.D
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến phát biểu tại hội thảo “Phát triển công nghiệp điện ảnh - Xây dựng môi trường làm phim thuận lợi tại Đà Nẵng”. Ảnh: X.D

Đây là những vấn đề được các đại biểu đặt ra tại hội thảo Phát triển công nghiệp điện ảnh - Xây dựng môi trường làm phim thuận lợi tại Đà Nẵng do UBND thành phố phối hợp Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam tổ chức chiều 10-5, trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất năm 2023 (DANAFF).

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến, Đà Nẵng xác định điện ảnh là một kênh quảng bá hữu hiệu cho hình ảnh điểm đến của thành phố và góp phần mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch. Để đạt được mục tiêu này, thành phố đã và đang có những quyết sách nhằm từng bước đặt nền móng trong tiến trình phát triển ngành công nghiệp điện ảnh.

Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, Đà Nẵng luôn mong muốn được chào đón các đoàn làm phim trong nước và quốc tế tới khảo sát và lựa chọn Đà Nẵng là bối cảnh quay phim. Thành phố sẽ nghiên cứu, xây dựng chương trình hỗ trợ các đoàn làm phim trong quá trình khảo sát, lựa chọn bối cảnh quay cũng như huy động các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở lưu trú và ẩm thực, các danh lam thắng cảnh. Qua đó, tạo nên cơ chế đôi bên cùng có lợi và một số ưu đãi đặc thù nhằm tạo thuận lợi cho các nhà sản xuất cũng như các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển.

Trên con đường xây dựng thành phố sự kiện - lễ hội, Đà Nẵng có tiềm năng lớn để phát triển điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Vỹ cho biết, Đà Nẵng có kinh nghiệm và đã tổ chức thành công nhiều sự kiện mang tầm khu vực, quốc tế.

Từ đầu năm đến nay, thành phố đã tổ chức giải IRONMAN 70.3, DANAFF và sắp tới đây là Lễ hội pháo hoa quốc tế. Tuy nhiên, để xây dựng thành phố sự kiện - lễ hội nói chung, phát triển điện ảnh nói riêng, thành phố phải tạo ra những sự kiện khác biệt, chuyên nghiệp. Để làm được điều này, cần phải tiếp tục cải thiện năng lực tổ chức sự kiện, tích cực liên kết các đơn vị có năng lực, kinh nghiệm và nguồn lực để tạo ra các sự kiện ấn tượng, hấp dẫn.

“Với vai trò là cơ quan quản lý và tham mưu cho thành phố về văn hóa, chúng tôi cho rằng DANAFF I sẽ quảng bá những điều kiện, tiềm năng của Đà Nẵng về tổ chức sự kiện nói chung và điện ảnh nói riêng đến các nhà làm phim, nghệ sĩ. Trên cơ sở đó, góp phần thu hút các đoàn làm phim đến với Đà Nẵng, tạo cơ hội hợp tác sản xuất, mở rộng thị trường điện ảnh, cũng như góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và Đà Nẵng”, ông Vỹ bày tỏ.

Theo NSND Huỳnh Văn Hùng, Ủy viên Ban chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến phát triển lĩnh vực điện ảnh, trong đó yếu tố con người đóng vai trò rất quan trọng. Nhiều năm qua, thành phố đã thực hiện một số hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về điện ảnh do các chuyên gia, nhà làm phim đầu ngành trong và ngoài nước về giảng dạy.

Bên cạnh đó, lãnh đạo quản lý ngành văn hóa, đài truyền hình cũng tạo điều kiện cho người làm phim tác nghiệp, sẵn sàng có cơ chế thông thoáng, tăng thời gian, tăng kinh phí… tạo điều kiện cho các nhà làm phim đi nước ngoài dự thi. Qua đó, giúp cho thành phố có đội ngũ làm phim ngày càng trưởng thành, giành được những giải thưởng lớn trong và người nước. Đặc biệt, lãnh đạo thành phố rất quan tâm đến điện ảnh, dành nhiều nguồn lực, tạo điều kiện để phục vụ các hoạt động điện ảnh trên địa bàn, thống nhất dành quỹ đất để xây dựng trường quay Đà Nẵng.

Ông Franck Priot, cựu Giám đốc điều hành Film France, Ủy ban điện ảnh Pháp cho rằng, Đà Nẵng cần có những chính sách, cơ chế thông thoáng và ưu đãi để thu hút các đoàn làm phim; đồng thời, hình thành một cơ quan đầu mối để cung cấp thông tin, hỗ trợ các loại giấy phép cho các đoàn làm phim; xây dựng nguồn nhân lực, bối cảnh để hỗ trợ cho các đoàn làm phim; xây dựng một trường điện ảnh hoặc các lớp đào tạo ngắn hạn để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cho hoạt động điện ảnh. Ngoài ra, cần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, những địa điểm nổi bật, mang thương hiệu của Đà Nẵng lên internet, các nền tảng xã hội để những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh biết đến. Từ đó, từng bước đưa Đà Nẵng xuất hiện trên bản đồ làm phim thế giới.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam Ngô Phương Lan, Đà Nẵng có nhiều thuận lợi, tiềm năng để phát triển điện ảnh. Với định hướng trong tương lai, Đà Nẵng cũng sẽ trở thành một trong ba trung tâm điện ảnh của Việt Nam. Vấn đề đặt ra hiện nay là không để tiềm năng ngủ quên. Chặng đường này không đơn giản khi có nhiều khó khăn cần phải tháo gỡ đến từ cơ chế chính sách, ưu đãi cho các đoàn làm phim, nguồn nhân lực…

Tuy nhiên, với sự quyết tâm và nỗ lực của chính quyền thành phố, điển hình như xúc tiến tổ chức DANAFF I, Đà Nẵng có thể xây dựng ngành điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn. “Là một thành phố đáng đến và đáng sống, nếu Đà Nẵng trải thảm đỏ cho các nhà làm phim thì chắc chắn các nhà làm phim sẽ đến với thành phố. DANAFF lần này là một sân chơi mới để cho các nhà làm phim tại Đà Nẵng và Việt Nam tiếp tục theo đuổi nghề. Chúng ta cần phát huy khởi đầu này để đi tiếp, từng bước tạo môi trường làm phim ở Đà Nẵng thuận lợi, phát triển hơn trong tương lai”, bà Lan bày tỏ.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.