Đình Đà Sơn: Nơi cố kết cộng đồng

.

Đà Sơn là tên một ngôi làng cổ, ở phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu), là một trong những ngôi làng xưa nhất của Đà Nẵng. Tại đây, có một ngôi đình dù trải qua bao biến thiên lịch sử, đổi dời vẫn sừng sững đứng vững như biểu tượng của làng Đà Sơn, gắn chặt với đời sống cộng đồng, được lớp lớp cư dân trân trọng gìn giữ.

Lễ hội đình làng Đà Sơn hằng năm kéo dài khoảng 4 ngày, thu hút đông đảo nhân dân tề tựu, sinh hoạt văn hóa. Ảnh: X.D
Lễ hội đình làng Đà Sơn hằng năm kéo dài khoảng 4 ngày, thu hút đông đảo nhân dân tề tựu, sinh hoạt văn hóa. Ảnh: X.D

Ghi dấu lịch sử làng

Qua truyền khẩu của các bậc cao niên, làng Đà Sơn có lịch sử lập làng cách đây gần 700 năm, căn cứ vào gia phả tộc Phan - tộc Phan đầu tiên ở Quảng Nam - Đà Nẵng, thủy tổ là Phan Công Thiên. Thời Thiệu Phong thứ 6 (1346), Phan Công Thiên nhận chỉ dụ của vua Trần Dụ Tông vào đóng ở vùng Trà Ngâm động, Trà Na xứ (tức vùng Đà Sơn, Khánh Sơn ngày nay).

Gia đình ông Phan cùng các tộc người Việt như: Nguyễn, Kiều, Đỗ khai hoang lập làng và ở lẫn với người Chăm. Như bao nơi khác, sau khi cộng đồng cư dân được hình thành, ngôi đình đầu tiên của làng Đà Sơn được xây dựng tại Gò Me để có nơi thờ tự và sinh hoạt văn hóa với các vật liệu thô sơ thời bấy giờ như: tranh, tre, mây, nứa.

Trải qua thời gian, đình được sửa chữa nhiều lần và di dời đến vị trí ngày nay (tổ 15 khu dân cư Đà Sơn) từ năm 1801 với lối kiến trúc, trang trí của đình làng Việt thế kỷ XIX. Từ đó đến nay, ngôi đình này sửa chữa, trùng tu nhiều lần trên cơ sở của ngôi đình cũ, nhưng vẫn giữ nguyên giá trị kiến trúc truyền thống. Lần gần nhất trùng tu vào năm 2021 với kiến trúc 3 gian 2 trái, có tiền đình và hậu tẩm, mái lợp ngói âm dương và trang trí đồ án long lân quy phụng, lưỡng long triều nguyệt.

Theo Bảo tàng Đà Nẵng, đình Đà Sơn còn ghi dấu các sự kiện lịch sử, như: trong phong trào Duy Tân (1914-1916) cụ Trần Cao Vân và Thái Phiên tổ chức cuộc họp vào đêm 19-6-1915 tại đình để vận động quần chúng xây dựng lực lượng vũ trang.

Trong cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, đình Đà Sơn là nơi tổ chức những cuộc họp quan trọng của các đồng chí lãnh đạo lúc bấy giờ; đồng thời là căn cứ kháng chiến, nơi dừng chân và nghỉ ngơi của đại đội chủ lực tỉnh sau khi làm nhiệm vụ đánh địch trở về. Bên trong đình lưu giữ 7 sắc phong, có niên đại vào các thời Thiệu Trị năm thứ 3 (1843), Tự Đức thứ 5 (1852) Duy Tân thứ 3 (1909)… bị hư hỏng nặng qua thời gian, chiến tranh.

Nhờ sự nỗ lực của ngành văn hóa và chính quyền địa phương, những sắc phong này được số hóa và phục hồi, hiện đang treo trong đình. Đây tư liệu quý hiếm này phản ánh rõ nét tư duy khoa học, văn học nghệ thuật, tụ cư lập làng của người dân Đà Sơn, cũng như sinh hoạt xã hội của các bậc tiền nhân.

Đồng thời, là di sản văn hoá quý giá mà chúng ta cần gìn giữ, bảo tồn để lưu truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống văn hóa của cha ông đến những thế hệ hôm nay và mai sau.

Giữ gìn, phát huy truyền thống

Theo thời gian, đình Đà Sơn ngày càng gắn chặt với đời sống tâm linh và lịch sử của dân làng, không thể tách rời đời sống cộng đồng. Đây là nơi mọi người gửi gắm niềm tin, sinh hoạt cộng đồng, phát huy những đạo lý, phong tục từ xưa của cha ông. Sân đình cũng là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao của các hội đoàn thể, thanh, thiếu niên trong làng. Phó trưởng Ban quản lý đình làng Đà Sơn Phan Công Định cho biết, hằng năm, dân làng Đà Sơn tổ chức 6 hoạt động cúng tổ tiên, lễ hội tại đình làng.

Trong đó, lớn nhất là lễ hội đình làng Đà Sơn diễn ra vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương, thu hút hàng nghìn người dân, con cháu về tham gia. Năm nay, lễ hội sẽ diễn ra trong 4 ngày (ngày 6 đến 10-3 âm lịch) với 2 phần lễ và hội. Phần lễ có các nghi thức truyền thống như: lễ rước sắc phong tiền hiền, lễ tế thổ thần, thành hoàng làng. Phần hội có hoạt động như: kéo co, bịt mắt bắt vịt, bóng đá, bòi chòi, hát bội...

“Nhân dân Đà Sơn rất tự hào với bề dày lịch sử, cũng như những phong tục, tập quán, nếp làng được duy trì nguyên vẹn hàng trăm năm qua. Vì vậy, dân làng luôn ý thức giữ gìn, phát huy truyền thống quý báu này, không phụ lời dạy của các bậc tiền nhân và sự quan tâm của các cấp chính quyền thành phố”, ông Định nói.

Theo Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam Bùi Trung Khánh, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, đình Đà Sơn được xếp hạng là di tích cấp thành phố năm 2010 và được trùng tu, tôn tạo khang trang, sạch đẹp năm 2021 với kinh phí hơn 8,3 tỷ đồng. Cùng năm này, các cấp lãnh đạo thành phố đã nghiên cứu, xếp hạng ngôi Mộ tiền hiền Phan Công Thiên là di tích lịch sử cấp thành phố để ghi nhận những công lao to lớn của ngài. Đây là niềm vinh dự, tự hào và hạnh phúc của nhân dân Đà Sơn nói riêng và toàn thể nhân dân phường Hòa Khánh Nam chung. Bên cạnh 2 di tích này, vùng đất Đà Sơn đang gìn giữ nhiều di tích có giá trị như: nhà thờ tiền hiền, lăng thờ âm linh, miếu xóm…

Tất cả những di tích này đều là tài sản vô giá, được chính quyền, nhân dân trân trọng, giữ gìn, bảo quản cẩn thận. Địa phương xác định, những di tích này là nơi truyền dạy những bài học lịch sử sống động, vun đắp tình làng nghĩa xóm, lối sống cộng đồng.

Vì vậy, thường xuyên phối hợp các đơn vị quân đội trên địa bàn, chỉ đạo các trường học, đoàn thanh niên tổ chức chương trình tìm về địa chỉ đó, học tập, nghiên cứu lịch sử; hội đồng chư phái tộc thực hiện đầy đủ các lễ hội, nghi lễ thờ cúng tổ tiên.

Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, thu hút người dân các địa phương và du khách về tham quan, tìm hiểu, đóng góp vào sự phát triển của ngành văn hóa du lịch thành phố.

X.DŨNG

;
;
.
.
.
.
.