(ĐNĐT) - Hòa chung không khí cả nước hướng về ngày Giỗ tổ, sáng 19-4 (nhằm ngày mồng 10-3 âm lịch), Đà Nẵng rộn ràng hơn với các lễ hội đình làng tại hai quận trung tâm của thành phố: Hải Châu, Thanh Khê.
Đậm giá trị truyền thống
Đúng 7h sáng 19-4, lễ hội đình làng Thạc Gián lần 2, do UBND quận Thanh Khê tổ chức chính thức khai mạc, thu hút hàng trăm cư dân địa phương và quan khách về dự.
Tại lễ hội đình làng Thạc Gián 2013, phần lễ vẫn diễn ra theo nghi thức truyền thống đậm bản sắc văn hóa đình làng Việt Nam, do chư phái tộc làng Thạc Gián thực hiện như: lễ vọng; lễ tế xuân, cáo đất trời; lễ âm linh; lễ tế tiền hiền; lễ dâng hương của các vị đại biểu và đại diện các chi phái, họ tộc…
Thi viết thư pháp tại đình làng Thạc Gián thu hút đông đảo người xem. |
Phần Hội năm nay được tổ chức tinh gọn hơn so với năm trước, gắn với các hoạt động truyền thống như: hội trống, múa cờ; thi viết thư pháp, ghép hoành phi, câu đối, thi chữ đẹp… với mục đích giáo dục cho lớp trẻ những kiến thức về đình làng nói riêng, về những giá trị văn hóa lâu đời của cha ông để nói lại chung.
Theo sử sách, làng Thạc Gián được hình thành vào thời kỳ đất nước Đại Việt mở rộng bờ cõi về phương Nam, khi vua Trần Nhân Tông tiếp nhận 2 Châu Ô và Rí, thành lập 2 Châu Thuận và Hoá. Vùng đất Nam Hải Vân được lập thành huyện Điện Bàn. Thạc Gián là một trong 66 làng thuộc huyện Điện Bàn thuở ấy. Địa danh Thạc Gián là do các bậc tiền nhân xác định thế đất, phong thổ của vùng đất để đặt tên.
Vào đời Minh Mạng, đình làng được làm lại bằng gỗ, mái lợp tranh. Qua các năm Tự Đức thứ bảy (1854), năm Duy Tân thứ ba (1909), năm Khải Định nguyên niên (1916), đình làng liên tục được trùng tu, tôn tạo và tồn tại đến ngày hôm nay. Đình là nơi thờ Thành hoàng làng và những vị có công khai làng lập ấp, là trung tâm sinh hoạt cộng đồng, làng xã ngày ấy. Trải qua bao biến cố lịch sử, đình Thạc Gián là một trong số ít những ngôi đình ở Đà Nẵng còn lưu giữ 18 Sắc phong, 38 Chiếu, Chỉ của các triều đại Hậu Lê, Nguyễn với những nét kiến trúc đặc thù.
Ngày 27-8-2007, đình làng Thạc Gián được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Vào năm 2009, đình làng được Nhà nước và nhân dân địa phương đầu tư trùng tu, tôn tạo, nhưng phải đến năm 2011, lễ hội đình làng Thạc Gián mới được phục dựng, tổ chức lần đầu tiên, trong diện mạo uy nghiêm, cổ kính ngày nay.
Gìn giữ cho hôm nay và mai sau
Cùng trong ngày Giỗ tổ, người Hải Châu cũng nô nức khai hội đình làng. Đây là lần thứ 5, lễ hội đình làng Hải Châu được tổ chức đúng dịp cả nước hướng về đất tổ, bày tỏ niềm ngưỡng vọng thành kính, biết ơn sâu sắc công đức tổ tiên.
Lễ chánh tế - nghi lễ truyền thống tại đình làng Hải Châu. |
Sau hơn 30 năm vắng bóng, 5 năm gần đây, lễ hội đình làng Hải Châu được khôi phục với quy mô ngày càng lớn. Năm nay, bên cạnh các phần lễ chính (theo nghi lễ truyền thống) như lễ Vọng, lễ Chánh tế…, phần hội cũng được tổ chức sôi nổi với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như múa lân, thả chim bồ câu, hội thi làm lồng đèn; liên hoan nghệ thuật quần chúng, bao gồm: Hát múa dân ca, thời trang các dân tộc Việt Nam… Ngoài ra, trong phần hội còn diễn ra thi đấu các môn thể thao dân tộc như thi kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố tiếp sức, cờ tướng…
Đại diện BTC lễ hội đình làng Hải Châu cho biết, đình làng Hải Châu được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia từ năm 2001. Việc khôi phục và duy trì lễ hội đình làng Hải Châu nhằm thỏa mãn đời sống văn hóa tinh thần cho người dân Hải Châu nói riêng, người dân thành phố Đà Nẵng nói chung. Đây còn là cơ hội để kêu gọi, phát huy trách nhiệm cộng đồng trong công tác bảo tồn các di sản văn hóa, hướng về cội nguồn, để những di tích lịch sử, lễ hội đình làng, những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam mãi trường tồn và trở thành động lực tinh thần lớn lao trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ngày nay.
Bài, ảnh: Thanh Tân