(ĐNĐT) - UBND thành phố vừa ban hành Quyết định số 3386 phê duyệt xếp hạng đình Cổ Mân, phường Mân Thái, quận Sơn Trà là di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố.
Đình Cổ Mân (Mân Thái, Sơn Trà) |
UBND thành phố cũng giao cho UBND quận Sơn Trà và phường Mân Thái thực hiện việc quản lý, bảo vệ di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hoá đối với ngôi đình có bề dày lịch sử hơn 300 năm này (đã nhiều lần tôn tạo).
Đình Cổ Mân có nguồn gốc lịch sử của dân tộc người Việt trước đây ở phương Bắc, theo các triều đại vua chúa cho dân di dời về phương Nam lập ấp, phát triển, xây dựng nhà cửa, tìm những nơi có mảnh đất thích nghi dừng chân và định cư tại đó.
Vào thế kỷ XVII, các tộc họ chọn một khu đất cao, rộng, thoáng, có vị trí đẹp tại khu vực Cổ Mân xây dựng nên ngôi đình bằng phên tre mái lá. Vào đầu thế kỷ XVIII, đình làng được xây dựng theo trường phái Phương Đông (long, lân, quy, phụng) và xây dựng thêm ngôi âm linh để thờ vong linh của những chiến sĩ vô danh. Đình Cổ Mân là địa điểm thuận lợi để cán bộ cách mạng hội họp, triển khai xây dựng cơ sở cách mạng vào thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ.
Năm 1996, ngôi đình làng bị hư hỏng nặng, bà con nhân dân và ban phụng sự đình làng đã quyên góp tài chính, vật liệu, cùng nhau xây dựng lại đình Cổ Mân rộng rãi, chắc chắn, đẹp đẽ và khang trang hơn nhưng vẫn giữ được nét cổ kính.
Vào ngày 25 tháng Chạp âm lịch hằng năm, tại đình Cổ Mân, dân làng tập trung tu bổ phần mộ, thắp hương tưởng niệm, tổ chức nghi lễ đón Tết Nguyên đán, treo cờ, cắm phướn, dựng nêu, chọn người hiền xông đất đầu năm, chuẩn bị lễ vật, hoa, cây trái, bánh chưng, bánh tét bày cúng trong 3 ngày Tết và tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí, diễn tuồng, hát bội...
Hoàng Hiệp