.

Phim Tết 2014: Hài "nhảm" tái diễn?

.

Nhiều nhà sản xuất phim muốn mang đến tiếng cười, sự vui tươi, nhẹ nhàng trong dịp Tết. Song, chính điều đó khiến xu hướng hài “nhảm” với sự chọc cười dễ dãi, nội dung nhảm nhí “thừa thắng xông tới”.

Cô dâu đại chiến phần 2 quy tụ dàn “sao”.
Cô dâu đại chiến phần 2 quy tụ dàn “sao”.

Năm nay có 8 phim được tung ra rạp chào Tết Giáp Ngọ 2014. Liệu xu hướng hài “nhảm” có tiếp tục tái diễn?

Điểm mặt phim Tết

Ngoài Tèo em ra rạp được mấy tuần nay, 7 phim còn lại đều được ra mắt vào trung tuần tháng 1. Xuân Giáp Ngọ trở thành dịp phim Tết “rầm rộ” nhất so với các mùa trước. Vì thế, cuộc đua tranh càng trở nên cam go. Đầu tiên phải kể đến hai “kỳ phùng địch thủ” là Cô dâu đại chiến phần 2Năm sau con lại về. Tiếp đó, Cưới chạy, Hai Lúa thuộc dòng phim hài. Riêng Cổ tích thời @Chôn nhời được chiếu bằng máy chiếu kỹ thuật số để phù hợp với khẩu vị hài phía Bắc. Là phim 3D duy nhất ra rạp trong dịp Tết này, Cuộc chiến với chằn tinh cũng là một ẩn số khiến nhiều khán giả tò mò, nhất là khi công nghệ làm phim mới mẻ này mới du nhập vào Việt Nam.

Một đặc trưng của phim Tết năm nay là đa phần đều nhờ các “sao” để làm điểm sáng cho tác phẩm của mình. Nếu Hai Lúa có “át chủ bài” là MC Trấn Thành, Don Nguyễn, Thúy Nga..., đặc biệt là Phương Mỹ Chi, thì Cưới chạy là Việt Hương, Chí Tài, Hoàng Mập, Kim Hiền, Đông Dương... Cổ tích thời @ quy tụ hầu hết các cây hài xứ Bắc như: Công Lý, Nhật Cường, Hồ Liên, Thanh Nhàn và cả người đẹp của sân khấu kịch phía Nam là Lan Phương.

Nổi danh với dòng diễn viên đẹp, Cô dâu đại chiến phần 2 cũng quy tụ của dàn “sao”: Vân Trang, Lê Khánh, Lan Phương, Yu Dương, Maya. Các diễn viên nam như Bình Minh, nhất là việc Khương Ngọc, Huỳnh Đông rủ nhau làm “bóng”, cũng tạo sức hút cho phim.

Còn Năm sau con lại về thì ngoài Hoài Linh, không thể thiếu vắng những cái tên Quý Bình, Lê Khánh, Việt Anh, Thanh Thủy...

Có thể nói, hầu hết các tên tuổi trong làng điện ảnh đã đồng loạt ra quân rầm rộ để bảo đảm sức hút của các bộ phim. Đó là điều thường thấy, dễ hiểu trong mỗi tác phẩm điện ảnh. Song, giữa một rừng hoa đẹp như vậy, không khỏi có yếu tố nhàm chán, nhất là khi có những diễn viên tham gia cùng lúc mấy bộ phim cạnh tranh nhau như Lan Phương, Chí Tài...

Phim Tết vẫn... nhạt

Mùa phim Tết ở Việt Nam mới chỉ hình thành mấy năm nay, đủ để tạo thành nếp cho các nhà sản xuất cũng như thói quen chờ đón của khán giả. Tuy vậy, dòng phim này đã kịp hình thành những danh xưng rất “khủng”. Chẳng hạn, Hoài Linh được gắn danh hiệu “vua phòng vé phim Tết”.

Không chịu kém cạnh, Cưới chạy cũng tung poster “khủng” làm nóng dư luận với câu “Bom tấn hài Tết”. Những danh hiệu ấy có khi do báo chí đặt, cũng có khi do nhà sản xuất hoặc nghệ sĩ... tự phong. Thoạt nghe thì có vẻ rất hoành tráng. Song, với người xem phim nhiều, “kinh qua” mấy mùa phim Tết thì nhiều khi nghe thế chỉ mỉm cười... độ lượng.

Trong khi đó, dù “làm mưa làm gió” tại các phòng vé, nhiều người vẫn phải “kêu trời” về độ siêu “nhảm”. Thậm chí, “nghe nhạc hiệu đoán chương trình”, giờ cứ nhắc đến tên nghệ sĩ nào đó trong một phim mới, người ta nói: “Lại nhảm”. Với Tèo em, vẫn “hot” ở các rạp, báo chí cũng tốn không ít giấy mực về bộ phim này, nhưng tựu trung lại vẫn là “nhảm”.

Nhìn vào những phim còn lại, dù đa phần được quảng cáo với những lời “có cánh”, nhưng khán giả khó tính không khỏi so sánh với những phim hài của Hong Kong từ thập niên 80, 90 của... thế kỷ trước. Đó là chưa kể với kiểu chọc cười bình dân, gây cười bằng nét mặt ngô nghê, hành động thô tục, những tình huống... trên trời, “rặn ra để cười”, khán giả khó hứa hẹn xem lại lần thứ hai loại hài này.

Với các nhà chuyên môn, khó có thể gọi những bộ phim này là những tác phẩm điện ảnh thực thụ. Mặc dù được mang ra chiếu rạp nhưng hầu hết chỉ na ná một bộ phim điện ảnh. Còn lại đa phần đều mang hơi hướng... phim truyền hình một tập, thậm chí là kiểu... băng đĩa thịnh hành bấy lâu nay. Vì thế, kiểu làm phim Phước Sang, Hoài Linh vẫn là những lối mòn ngày càng hằn sâu như vết xe đổ cho các phim Tết lăn theo. Điều đáng bàn là, với  số lượng khá áp đảo, những phim Tết này sẽ còn được nhắc nhiều đến như thành tựu của điện ảnh trong năm. Sự vùng vẫy trong ao nhà, tự tạo nên những danh xưng ầm ĩ ít nhiều sẽ khiến khán giả mất đi niềm tin vào những người làm phim nội địa. Và như thế, dù các phòng vé có đạt được doanh thu “khủng” thì đó đây lại càng nhiều tiếng thở dài được cất lên.

NGỌC TÂM

;
.
.
.
.
.