.

Một góc nhìn về Văn hóa xứ Quảng

.
Với mong muốn góp phần vào việc gìn giữ và lưu truyền những nét văn hóa độc đáo của vùng đất “Ngũ phụng tề phi”, nhóm tác giả chuyên nghiên cứu về văn hóa, lịch sử: Võ Văn Hòe, Hồ Tấn Tuấn, Lưu Anh Rô vừa giới thiệu tập sách “Văn hóa xứ Quảng - một góc nhìn”.

Mô tả ảnh.
Bìa tập sách “Văn hóa xứ Quảng - một góc nhìn” do Nhà xuất bản Lao động ấn hành.
Sau khi Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành, tập sách đã được Dự án công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam (Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam) tiếp tục in và phát hành trên toàn quốc. Theo GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Dự án: Đây là một trong những bộ sách mang tính chất bách khoa toàn thư về sắc màu văn hóa của các tộc người Việt Nam, phục vụ thiết thực vào việc tra cứu, mở rộng hiểu biết của bạn đọc về truyền thống văn hóa giàu có và độc đáo, góp phần xây dựng nền “Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Vùng văn hóa xứ Quảng được hình thành trong tổng thể vùng văn hóa miền Trung, dựa trên nền tảng văn hóa Sa Huỳnh và nền văn hóa Chămpa rực rỡ, từ xa xưa đã hiện hữu trên mảnh đất Hóa Châu - vùng đất cực Nam của Đại Việt (từ phía Nam Thừa Thiên- Huế đến bờ Bắc sông Thu Bồn hiện nay). Qua 52 bài viết, 32 ảnh tư liệu được in trang trọng trong cuốn sách có độ dày gần 400 trang. Tập sách “Văn hóa xứ Quảng- một góc nhìn”, cho ta thấy Văn hóa xứ Quảng tuy có những nét đặc trưng riêng, nhưng vẫn nằm trong loại hình văn hóa nông nghiệp Việt Nam. Để có được những thành quả ấy, người xứ Quảng từng phải đổ nhiều mồ hôi và máu trong đấu tranh chống xâm lược và vượt qua những thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên để xây dựng và giữ gìn mảnh đất quê hương. Nhưng trong họ vẫn luôn giữ rõ phong cách “ăn cục nói hòn”, vẫn “Quảng Nam hay cãi”… như một ai đó đã từng nói rằng “Đó mới là văn hóa Quảng Nam”.

“Văn hóa xứ Quảng - một góc nhìn” là thành quả của cả một quá trình lao động miệt mài để sưu tầm và nghiên cứu; đồng thời, cũng là tình cảm lớn lao của nhóm tác giả đối với quê hương xứ Quảng. Chính nhờ thế, qua cuốn sách này, các tác giả còn cung cấp khá nhiều tư liệu liên quan đến mọi mặt của đời sống con người xứ Quảng từ thuở xa xưa cho đến nay, với những nội dung phong phú như: Tập tục sinh hoạt, về lịch sử các đền, chùa, miếu nổi tiếng; góc văn hóa Tết người Quảng, Người Quảng Nam đi sứ, Em là con gái xứ Quảng…

Qua cuốn sách này, người đọc chắc sẽ còn tâm đắc hơn với những bài “Văn miếu Quảng Nam”, “Văn chỉ La Châu”, “Hương ước và vấn đề Hương ước tại Đà Nẵng”, “Khoán ước của làng Phước Sơn”... bởi qua những tài liệu này, giúp ta hiểu được từ xa xưa, người xứ Quảng đã có cuộc sống rất văn minh, có khuôn phép. Tập sách này còn giúp thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hiểu biết về một vùng văn hóa xứ Quảng. Qua đó, họ tự soi mình vào và sẽ có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng đạo đức xã hội, làm cho người ta sống lương thiện hơn, biết nhớ ơn và biết hy sinh...

Chúng tôi xin mượn lời nói đầu trong cuốn sách của Nhà sử học Dương Trung Quốc để thay lời kết: “Cuốn sách này như một bước tiến trên quá trình nhận thức về văn hóa Đất Quảng. Tôi muốn bạn đọc có chung niềm trân trọng đối với công sức và cả tình yêu của nhóm tác giả đã viết cuốn sách này… Đây là một cuốn sách bổ ích”.

Bài và ảnh: VĂN NỞ
;
.
.
.
.
.