Dường như bất cứ ngôi làng Việt nào cũng có ít nhất một cái đình để thờ Thành Hoàng làng hay một danh nhân nào đó có công với vùng đất ấy. Đã có đình thì thế nào cũng có sân đình. Nhưng ở đâu cũng vậy, sân đình - dù nhỏ to khác nhau, và chẳng cái nào giống cái nào - đều là nơi sinh hoạt cộng đồng của làng xã, là chỗ chơi đùa của trẻ con hiếu động.
Trong đình Mông Phụ (Đường Lâm, Hà Nội) nhìn ra. Ảnh: N.T.BÌNH |
Ngày trước, đình làng là nơi bàn chuyện “triều chính” của một hương thôn, làng xã. Nói đến đình làng, người ta thường nhớ tới mấy cụ chánh, cụ bá, ông lý… Trải qua những thăng trầm của thời gian, mái đình làng Việt có nhiều thay đổi, mỗi giai đoạn đều hằn ghi những dấu ấn của thời đại.
Ở mỗi vùng đất, mái đình lại có một dáng vẻ kiến trúc riêng biệt với từng đặc điểm không thể pha trộn và những dấu ấn của từng vùng, miền. Ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, thông thường đình làng thường được xây dựng ở nơi tập trung dân cư đông đúc và tọa lạc ở một khu đất cao nhìn ra cái sân rộng lớn và lát gạch bát. Xa hơn chút nữa là một cái ao nhỏ trồng sen và có nhà thủy đình để vào những ngày hội lễ phường rối có thể phục vụ nhân dân thưởng thức các tích rối cổ truyền.
Đình làng rộng hẹp khác nhau, tùy theo điều kiện của từng làng, bên cạnh tòa chính thường có thêm nhiều nhà ngang, dọc khác nữa. Vì thế, sân đình thường là nơi người dân xung quanh đem thóc lúa đến phơi nhờ mùa gặt hái. Cửa đình là chốn linh thiêng nên ai đến phơi phóng cũng đều rất tự giác, không tranh giành chỗ phơi, không nói lời tục tĩu, phơi xong quét dọn sạch sẽ, ngăn nắp và bảo vệ tài sản của đình.
Đêm đến, sân đình mùa gặt chất đầy những bao lúa xếp chồng gọn ghẽ, không cần có người trông nom nhưng không bao giờ mất trộm. Dân làng trên, xóm dưới bảo nhau đấy là nhờ có “nhà ngài” trông giúp nên chẳng có kẻ trộm nào dám bén mảng. Hết mùa gặt hái, sân đình rộng rãi, chỉ có nhà ai làm nghề phụ quanh đó đem quạt giấy quạt lụa, đũa tre, hàng mây tre đan xuất khẩu đến phơi nhờ. Những hôm sân đình trống trải không có gì phơi, lũ trẻ con chia nhau từng khoảnh, đám này chơi ô ăn quan, đám kia nhảy dây, bắn bi chơi đáo, nhảy lò cò… thật xôm tụ. Những đêm trăng sáng, sân đình trở thành nơi trốn tìm, đánh trận giả, “bắn bùm” thật hấp dẫn bởi những dãy nhà ngang dọc trong đêm biến thành những nơi ẩn mình lý tưởng. Có một thời, khi đất nước còn khó khăn, trường học còn thiếu thốn, đình làng được trưng dụng thành lớp học. Có biết bao người đã trưởng thành từ mái đình làng như thế, đã nô đùa và lớn lên từ những sân đình như thế.
Ngày mùa, sân đình trở thành nơi phơi thóc, phơi rơm (Đình Bảng, Bắc Ninh). Ảnh: N.T.BÌNH |
Vào mùa lễ hội, tiếng trống đình rộn rã thúc giục bước chân nô nức đến chốn cửa đình. Lúc này chính điện giữa đình đèn nến sáng trưng, các bô lão áo the khăn xếp hai hàng chỉnh tề. Chiếc kiệu sơn son thếp vàng cùng với hai chú bạch mã ngày thường vẫn ẩn tận “chốn hậu cung” giờ được trang hoàng lộng lẫy đặt giữa sân. Dân làng thành kính sửa biện lễ vật, dâng hương trời phật cầu cho làng nước bình yên, nhà nhà an lạc thái bình. Nghi thức tế lễ thần linh diễn ra tôn nghiêm và trang trọng khiến lòng người càng thêm phấn chấn, mơ ước về một ngày mai sung túc, ấm no gần như có thể đưa tay ra mà với được.
Bao giờ cũng thế, mùa lễ hội làng kết thúc cùng với những đêm hát chèo do đội văn nghệ của thôn biểu diễn. Người hát là những “nghệ sĩ làng” ngày thường vẫn một nắng hai sương nên được cổ vũ rất nhiệt tình. Hát cho bà con mình nghe với họ là thú vui không dễ gì đánh đổi được dù chỉ lát nữa thôi, trút bỏ tấm áo mớ ba mớ bảy rực rỡ này, họ lại trở về với cuộc sống bộn bề, với những đôi quang, cái liềm hay con dao, cái cưa… làm nghề phụ. Sẽ thật thiếu sót nếu như không nhắc đến phường múa rối của thôn vì họ đích thị là những nghệ nhân thực thụ. Mấy năm gần đây, múa rối nước được tôn vinh nhưng những người nghệ nhân không phải khi nào cũng có cơ hội biểu diễn. Dịp làng mở hội, phường rối sẽ trổ tài nghệ, thể hiện niềm đam mê với những tích trò cổ như “chú Tễu”, “bắt rắn”, hay “đi cày”… Những thời khắc này, sân đình là sân khấu của họ, là nơi họ thể hiện tình yêu với quê hương làng xóm của mình mà ngày thường không có dịp bộc lộ.
Vậy đó, sân đình với những người nông thôn là không gian sinh hoạt chung của cả cộng đồng làng xã, nó gắn bó mật thiết đến đời sống vật chất, tinh thần của người quê. Dù mang trong mình nhiều dáng vẻ và tập tục thờ cúng khác nhau nhưng đình làng luôn là nơi chốn để người ta có thể trở về, cho dù đang sinh sống ở nơi nào đó thật xa hay đang ở trên chính mảnh đất quê hương của mình. Vì thế, sân đình, mái đình làng luôn là một không gian mở - không gian cộng đồng của tất cả cư dân vùng đất.
NGUYỄN THANH BÌNH