.

Nhạc sĩ Phan Văn Minh: Lặng lẽ viết hạnh phúc cho đời

.

Nhiều người xa lạ với cái tên Phan Văn Minh, nhưng khi nói đến ca khúc Cả nhà thương nhau thì có lẽ không ai không biết.

Nhạc sĩ Phan Văn Minh
Nhạc sĩ Phan Văn Minh

1.

Nhạc sĩ Phan Văn Minh kể: “Năm 1988, tôi viết Cả nhà thương nhau để tặng vợ con sau những năm công tác ở miền núi xa xôi. Năm 1989, có cuộc thi ca khúc thiếu nhi, tôi gửi dự thi cho vui, không ngờ đoạt giải nhất. Tôi tìm cảm ơn cháu bé đã thể hiện thành công ca khúc này. Cháu sống cùng mẹ trong một căn gác nhỏ, ba cháu bỏ đi từ khi cháu chưa chào đời. Tại căn gác này, thật xúc động khi nghe bé vừa hát vừa khóc”… Nói đến đây, giọng của người nhạc sĩ đất Thăng Bình khàn đi. Phan Văn Minh bảo, ông đã kể câu chuyện về cháu bé gắn với ca khúc làm nên tên tuổi mình nhiều lần, kể cho nhiều người lắm, nhưng không hiểu sao cứ mỗi lần nghe ai hỏi về ca khúc, thì người đầu tiên ông nghĩ đến vẫn là cháu bé.

Cũng liên quan đến “56 chữ đáng yêu” của Cả nhà thương nhau, có lần qua hai nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và Trương Đình Quang, Phan Văn Minh nhận được một cây đàn xà cừ rất đẹp với lời đề tặng: “Tặng nhạc sĩ Phan Văn Minh - người đã đem hạnh phúc đến cho nhiều người”. Cây đàn do một chủ hiệu đàn nổi tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh làm tặng, bởi nhờ những câu chữ giản đơn, trong sáng và cũng rất đỗi sâu sắc, ấm áp, chứa chan tình cảm gia đình của Cả nhà thương nhau từ miệng con trẻ mà vợ chồng chủ tiệm đàn “gương vỡ lại lành”.

Ca khúc Cả nhà thương nhau của Phan Văn Minh với phần lời chỉ vỏn vẹn 56 chữ, theo lối đồng dao đã trở thành niềm yêu thích rất đỗi tự nhiên của hàng triệu trái tim, chứ không riêng con trẻ. Phan Văn Minh bảo đó là sự đồng cảm giữa người sáng tác và công chúng - điều mà mỗi nhạc sĩ luôn kiếm tìm.

2.

Phan Văn Minh làm thơ, viết văn, sáng tác nhạc, vẽ... nhưng ông tự nhận nghề chính là “gõ đầu trẻ”. Ông sinh ra trên vùng cát Thăng Bình của xứ Quảng, theo học ngành Hóa - ĐH Khoa học Sài Gòn, nay là ĐH Khoa học tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh. Đất nước thống nhất, ông về quê rồi trở thành nhà giáo lúc nào không hay.

Năm 1976, ông được cử đi học lớp sư phạm cấp tốc tại Quy Nhơn, mấy tháng sau đó về dạy trên vùng cao huyện Trà My (tỉnh Quảng Nam). Nhưng với niềm đam mê âm nhạc từ nhỏ, song song với nghề giáo, ông luôn lấy sáng tác làm niềm vui. Ông quyết định theo học khoa Sáng tác tại Trường ĐH Nghệ thuật Huế (từ năm 1990-1995) và trở thành giáo viên dạy âm nhạc tại Trường CĐ Sư phạm Quảng Nam. Ông tiếp tục viết nhiều về xứ Quảng thân yêu, về sông Hoài, phố Hội, về thành phố trẻ Đà Nẵng và nhiều miền đất mỗi khi có dịp đi qua.

Đến nay, sự nghiệp của Phan Văn Minh gắn với hơn 400 ca khúc, nhưng theo ông, thành công nhất vẫn là những tác phẩm về gia đình, đặc biệt là sáng tác dành cho thiếu nhi (khoảng hơn 100 ca khúc). “Cái gì cũng có “nhúng” vào một chút nhưng hình như mỗi người chỉ có cơ duyên với một thứ nào đó. Tôi cũng viết rất nhiều ca khúc về quê hương, về tình yêu, nhưng không mấy thành công. Thật lạ, yêu mê mẩn, viết hết mình, vậy mà không được. Đến khi viết vài ca khúc cho thiếu nhi thì lại thành công”, Phan Văn Minh bộc bạch.

3.

Sau Cả nhà thương nhau, Phan Văn Minh thường nhắc về Khúc trầm hương giao thừa. Ông viết Cả nhà thương nhau trong 15 phút, còn Khúc trầm hương giao thừa chỉ trong một đêm. Và điều đặc biệt là cả hai sáng tác này ông đều không viết để dự thi nhưng lại có duyên với giải thưởng. Cũng như Cả nhà thương nhau, Khúc trầm hương giao thừa đoạt giải nhất trong một cuộc thi sáng tác toàn quốc. Bạn bè ông có người nói vui rằng, chỉ mất một đêm mà lãnh giải thưởng hàng chục triệu đồng thì hời quá. Khi ấy, ông cười và bảo: “Đúng là mình viết chỉ trong một đêm, nhưng đấy là kết quả của sự ngưng đọng kéo dài nửa thế kỷ”. Ông có nửa thế kỷ tuổi đời, nửa thế kỷ để làm con, làm chồng, làm cha, nửa thế kỷ để trải nghiệm, để biết thế nào là cô đơn, trống vắng, hụt hẫng, chạnh lòng... trong một giao thừa nào đó: “Đêm nào xứ người, chợt dừng chân trên đường bôn ba, bồi hồi nghe rưng rưng trong ta, cội nguồn thiêng liêng nơi quê xa, như khói hương giữa đêm giao thừa...”.

4.

Mỗi năm Phan Văn Minh thường nhận 3-5 giải thưởng từ những sáng tác nhạc, truyện ngắn... Ông nói vui “sau khi nghỉ hưu, mình sống nhờ giải thưởng đấy”. Nhưng hẳn giải thưởng không phải là điều khiến người ta nhớ về ông. Những người từng tiếp xúc và được nghe những ca khúc của Phan Văn Minh hẳn đều nhận ra rằng, ông thật bao dung, bình thản, hồn hậu trong quan niệm về cuộc sống và sáng tác. Khi không ít người bực dọc hoặc tỏ thái độ miệt thị, chối bỏ với những sáng tác theo kiểu “mì ăn liền”, ngôn từ dễ dãi của một bộ phận giới trẻ hiện nay, nhưng Phan Văn Minh thì không. Ông cho rằng, đó là kết quả của cách nghĩ, cách tư duy hạn chế của một bộ phận người trẻ. “Họ chỉ được đến thế thì mình không nên đòi hỏi hơn. Loại nhạc nào thiếu thẩm mỹ, tính nghệ thuật, giá trị nhân văn rồi tự nó sẽ bị đào thải, không cần phải chê bai”, ông đúc rút.

Người nhạc sĩ xứ Quảng cũng quan niệm rằng, người sáng tác ngày nay không nên chỉ trông chờ vào chế độ của Nhà nước bởi đã qua rồi thời bao cấp, mỗi người nên tự có trách nhiệm nuôi dưỡng, phát triển những đứa con tinh thần do họ sinh ra. Và cần lấy tư duy trẻ con để sáng tác những ca khúc dành cho trẻ con, lấy tình yêu thương để xóa hận thù như khát vọng được ông gửi gắm trong ca khúc Chỉ còn yêu thương, được sáng tác dành cho những trẻ em bị nhiễm chất độc da cam.

Những gì thuộc về Phan Văn Minh dường như dung dị, giản đơn, nhẹ nhàng mà sâu sắc như cách triết lý trong “56 chữ đáng yêu” rằng: “Ba thương con vì con giống mẹ/ Mẹ thương con vì con giống ba/ Cả nhà ta đều thương yêu nhau/ Xa là nhớ, gần nhau là cười...”.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.