Đà Nẵng dạo này bỗng đẹp hẳn, cái đẹp căng tràn sức sống, cái đẹp bóng bẩy, ngọt lành như cô gái đang vào độ tuổi mười tám, đôi mươi. Ai đã một lần ghé thăm Đà Nẵng, chỉ một lần thôi, bỗng thấy yêu “cô gái” xứ Đà thành này với tình yêu mãnh liệt, có khi nồng nàn sâu lắng, có khi day dứt khôn nguôi. Có kẻ yêu đến độ “cuồng si”, cứ mãi tha thiết gọi Đà Nẵng là “cô nhân tình bé nhỏ”, muốn cất giữ riêng cho mình một mảnh tình con con để được vỗ về, ôm ấp mỗi khi nỗi nhớ cồn cào trong giấc ngủ.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Làm sao có thể quên những chiều đi dạo trên đường Bạch Đằng nghe gió ngoài sông Hàn luồn vào trong tóc. Làm sao có thể quên dãy Sơn Trà bồng bềnh trong cái “nắng ngọt” của tháng ba. Làm sao có thể quên cái màu xanh trong mát của biển chiều với những hàng dừa chạy thẳng tắp trên tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa… Và khi lòng người đọng lại, muốn có nơi tìm về, kẻ si tình kia bỗng thấy nhớ quay quắt cơn mưa Đà thành chợt đến rồi chợt đi, nhớ những lần ngồi quán cà-phê cóc lặng nhìn cuộc sống của người dân nơi đây qua những ô cửa mà bình yên và hiền hòa biết bao... Đất và người Đà Nẵng sâu nặng lắm nên mỗi khi xa thành phố bên sông Hàn này, biết bao kẻ si tình vẫn quyến luyến muốn ở lại, chân bước đi mà lòng luôn hướng về vì sẽ buồn, sẽ nhớ, sẽ khắc khoải câu hẹn hò: “Nhớ lắm! Cô nhân tình bé nhỏ của tôi ơi!”.
Những ngày cuối tháng 3, sông Hàn kết nối những bờ vui. Dòng sông hiền hòa, thơ mộng, chở nặng bao tâm tình của người Đà Nẵng lại “trang điểm” cho mình những nhịp cầu mới bắc ngang qua hai bờ Đông Tây: cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý. Tất cả đều dập dìu, tất cả đều náo nức. Sao mà đẹp đến thế! Sao mà yêu kiều đến thế! Những cụ già rưng rưng… Những em bé rưng rưng…
Dường như tim ai cũng đập những nhịp thổn thức, muốn ôm trọn lấy phút giây ngỡ ngàng này. Bao ngày tháng chờ đợi, đến bây giờ người dân Đà Nẵng thỏa lòng ước mong khi được đặt chân lên chiếc cầu với nhiều “cái nhất” trong tâm thế tự hào xen lẫn niềm sung sướng. Tất cả đều là minh chứng cho một thành phố trẻ trung, năng động, cho một “Đà Nẵng đa năng”.
Tôi là người Đà Nẵng, cũng như bao người con của mảnh đất miền Trung đầy nắng gió này, tôi ngạc nhiên khi thấy cô gái Đà thành “càng ngày càng xinh đẹp hẳn ra”. Có nhiều người yêu cái trẻ trung, năng động nhưng tôi lại yêu cái đằm thắm, dịu dàng của cô gái trẻ này. Khi thành phố chìm vào giấc ngủ, thức cùng những cây cầu, tôi nghe bao tâm tình, thủ thỉ. Tôi nghe cầu Rồng ước vọng những chuyến bay xa vươn đến những tầm cao mới, tôi nghe cầu Trần Thị Lý kể về những chiến công bất diệt, tôi nghe cầu Thuận Phước lồng lộng đón gió…, và tôi nghe cầu Sông Hàn trăn trở bao nỗi niềm. Đà Nẵng có thêm nhiều cây cầu mới hiện đại hơn, to đẹp hơn, nhưng có lẽ trong tâm thức của người dân xứ Đà thành này, cầu Sông Hàn vẫn gắn bó như một phần máu thịt. Khi tôi hỏi nhiều người: “Ở Đà Nẵng, cây cầu nào nổi tiếng nhất?”, họ đều trả lời không chút ngần ngại: “Cầu Sông Hàn chứ đâu”. Làm sao có thể quên được cầu Sông Hàn là thành quả của lãnh đạo và người dân đã góp công xây dựng, khánh thành vào năm 2000 để chào đón thiên niên kỷ mới. Hơn 10 năm rồi, cầu Sông Hàn là chứng nhân cho bao đổi thay của Đà Nẵng. Xa rồi những dãy nhà chồ, xa rồi “con gái quận ba không bằng bà già quận nhất”, xa rồi những chuyến phà nhọc nhằn sang sông mùa mưa bão. Xa rồi… xa rồi…
Nhưng có lẽ trong những cái “xa” đó, dòng sông Hàn cũng sẽ không bao giờ quên nhịp kéo rớ mỗi chiều, câu hò cất lên giữa đêm khuya, nhịp chèo của những bà má tần tảo một đời nuôi con. Sông Hàn đã nuôi dưỡng tình yêu Đà Nẵng, nuôi dưỡng tâm hồn những người con Đà Nẵng để những ai mỗi khi đi xa đều muốn quay về với mảnh đất này.
“Có hiểu được lòng nhau mới tới bờ tới bến. Có hiểu được lòng nhau mới thấu hết nghĩa tình”. Nghe câu hát trữ tình trải dài trên dòng sông Hàn mỗi chiều đi dạo đường Bạch Đằng, tôi lại thêm yêu Đà Nẵng, yêu cô nhân tình bé nhỏ của tôi ơi!
HOÀNG HÂN