.
THẾ GIỚI SÁCH

Chuyện nhỏ Sài Gòn

.

Cầm trên tay cuốn Chuyện nhỏ Sài Gòn (NXB Văn học & Thái Hà Books, 2013) của Đàm Hà Phú, nhiều người hẳn sẽ cảm thấy thích thú và đọc như một cách kiểm nghiệm cảm xúc của riêng mình với mảnh đất Sài Gòn đầy nắng.

“Tôi đến Sài Gòn lần đầu tiên năm 1991, trên một chiếc xe cấp cứu”, Đàm Hà Phú viết. Với anh, đến tận bây giờ Sài Gòn vẫn “quá lớn và quá đông”, đến mức anh luôn phải đề phòng. Anh viết: “Tôi nhớ mình đã tháo cái nhẫn hai chỉ vàng trên tay để nhét vô vớ (tất) vì nghe cướp Sài Gòn có thể chặt tay bạn chỉ để cướp một chỉ vàng”.

Quê Hà Tĩnh, nhưng mảnh đất Nha Trang nuôi Đàm Hà Phú lớn lên. Song, khi gặp gỡ với Sài Gòn, xứ phồn hoa này lập tức quyến rũ chàng trai sinh năm 1974, dù sự khởi đầu không dễ. “Công việc đầu tiên để tôi kiếm kế sinh nhai ở đất Sài Gòn là làm bốc xếp ở cảng”. Vì thế, sẽ không quá bất ngờ khi Chuyện nhỏ Sài Gòn đầy ắp chi tiết về đường phố, về những mảnh đời, đôi khi thật lầm lũi, như bà già bán nước vỉa hè nhưng sẵn sàng “đãi” mấy chú cảnh sát giao thông suốt cả tháng trời miếng nước, chuyện về mấy ông xe ôm, chuyện bụi đời, nhà tình thương, chợ Sài Gòn…

Nhưng Chuyện nhỏ Sài Gòn không phải là cuốn tự truyện để lấy nước mắt của độc giả. Đây là cuốn tạp văn với nhiều bức ảnh minh họa do tác giả tự chụp được căng tràn trang sách. Dù qua ảnh hay qua con chữ, người đọc cũng dễ dàng nhận ra góc nhìn riêng của tác giả về mảnh đất và những con người đã cưu mang anh. Và đọc sách để có thể suy nghiệm về những nhận xét của một người “đã từng đi toàn Việt Nam mà chưa đi hết Sài Gòn, đã từng viết đủ mọi thứ mà chưa viết đủ về Sài Gòn, đã từng yêu mọi nơi mà chưa yêu trọn Sài Gòn”.

Nhưng cuốn sách này không chỉ có chuyện Sài Gòn, mà hơn 100 trang sách cuối được mở rộng hơn với gần 20 tạp văn viết về những không gian khác: Về miền Tây uống “gụ”, Cá rô bông điên điển, Nghe tiếng đờn ai rao sáu câu…, thậm chí là cả những bài viết về “mùi tình yêu”, thái độ sống, “cảm giác mạnh”… Nhưng dù viết về Sài Gòn, về miền Tây, hay những đề tài khác, Đàm Hà Phú vẫn chứng tỏ sự vạm vỡ trong cách sống, cách nghĩ. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cho rằng: “Đọc Phú thấy đời đẹp, những vẻ đẹp ai cũng gặp một lần nhưng cuộc sống của họ không đủ chậm để giữ lại, để nâng niu. Ngang dọc khắp nơi, người viết tỉ tê kể cho ta những tấm chân tình trong cát bụi. Nhịp văn nhanh, mạnh, rất chi là phóng khoáng. Tưởng đọc Phú là đọc chuyện, nhưng cả văn cũng lôi cuốn, dí dỏm…”.

Còn ở góc độ du lịch, hẳn nhiều người sau khi đọc cuốn sách này sẽ thấy tự tin hơn, thân quen hơn về những câu chuyện mà tác giả Chuyện nhỏ Sài Gòn đã viết.

ĐINH LINH

;
.
.
.
.
.