Những giọt mực gồm 11 truyện ngắn đồng thoại dễ thương, dí dỏm, hài hước và sâu sắc như: Trung thu của bác đèn xếp, Tình bạn của đôi guốc, Diều giấy mắc nạn, Tờ lịch đầu tháng, Những giọt mực, Tâm sự bác đinh già, Những mũi tên trưởng thành, Một chút anh hùng, Ô đen đi du lịch, Cơn giận của bác đồng hồ, Lão dao sắc.
Bìa cuốn Những giọt mực. |
Trong số những tác phẩm đoạt giải thưởng Sách hay mùa giải 2013, ở hạng mục Thiếu nhi, tập truyện Những giọt mực của Lê Tất Điều (Phương Nam Book và NXB Văn hóa - Văn nghệ) được chọn là một trong hai cuốn sách Văn học thiếu nhi hay nhất trong năm. Cuốn còn lại là sách dịch: Totto-chan bên cửa sổ (Tetsuko Kuroyanagi, Trương Thùy Lan dịch, Nhã Nam và NXB Văn học) đã gây bất ngờ, thú vị, bởi đây là tác phẩm thiếu nhi quen thuộc được yêu chuộng tại miền Nam từ thập niên 70. Đồng thời, Những giọt mực thể hiện cái nhìn mở, như Ban tổ chức đã nêu: “… để nói lên tinh thần hòa hợp, không phân biệt Nam Bắc, không phân biệt văn học-nghệ thuật trước hay sau giải phóng, không phân biệt trong nước hay nước ngoài”.
Đọc Những giọt mực, chúng ta cảm giác như được dẫn dắt phiêu bồng ra khỏi thế giới thực dụng, nhiễu nhương. Mỗi truyện ngắn đều có những ẩn dụ nhỏ, nên thơ, mang lại người đọc dù trẻ thơ hay người lớn ít nhiều suy ngẫm. Không gian nơi đây là cái phòng riêng của một cậu bé với bao thứ đồ vật lỉnh kỉnh: từ cây nến, cái búa, cái đèn xếp cũ, con diều giấy, đôi guốc mộc, những giọt mực, đến cái ghế, bàn, bức tranh, cuốn sách. Khi đêm đã về khuya thì cũng là lúc con người hiếu động nhường chỗ cho đồ vật lên tiếng. Đó là sự hy sinh cao cả của bác đèn xếp để cứu cụ sách bị chuột gặm gáy; bác đèn xếp - kẻ bị bỏ quên cả năm trời (trừ ngày Trung thu) để soi đường cho ông cung tên bắn kẻ định mưu sát cụ sách - đã gồng mình cháy sáng để cuối cùng bị thiêu rụi. Đó là nỗi buồn của ba giọt mực cuối cùng còn đọng dưới đáy bình, lo lắng: “Đã là mực, phải được ghi một vết ở đâu đó trên thế gian”.
Thế rồi, ông bàn chỉ cho ba giọt mực những ý nghĩa và niềm kiêu hãnh: “Mỗi thế hệ đều có ít nhất ba giọt nằm dưới đáy, nâng các giọt mực khác lên cao. Sau đó, những giọt hy sinh khô đi trong lặng lẽ”, và hàng tỷ chữ, hằng hà sa số hình vẽ trên thế gian này đều mang ơn những giọt mực nằm dưới đáy bình. Đó là lời dặn dò của tờ lịch ngày 31 tâm sự với tờ lịch ngày mồng 1: “Chú có riêng một buổi bình minh, một buổi trưa, một hoàng hôn và có cả đêm tối. Nhưng chú phải nhớ, phải nhớ kỹ một điều: chú em chỉ được sống đúng có một ngày thôi đấy nhé. Dòng họ chúng ta mang truyền thống ấy. Đời sống chúng ta rất ngắn ngủi và chính xác. Vậy hãy sống cho ra sống và đừng bỏ phí một giây nào”…
Bằng những tiêu đề rất gắn bó, gần gũi với tuổi thơ, tác giả lần lượt đưa người đọc vào sinh hoạt chung với các đồ vật có đầy đủ những tính tốt cũng như tật xấu của loài người: có hy sinh, có ghen tị, có cao cả, có thấp hèn, có bao dung, phản bội, mơ mộng, trầm tĩnh.
“Gấp cuốn sách lại, người đọc không khỏi nhìn quanh mình mỉm cười thích thú, tưởng như các đồ vật quanh mình xì xào to nhỏ, tưởng như cuộc sống trở nên phong phú lạ thường, tưởng như mình hết còn cô độc. Và bây giờ người đọc hiểu tại sao bé gái này có thể nói chuyện suốt ngày với con búp bê bất động, bé trai kia có thể bầu bạn không chán với cả những cục gỗ viên gạch. Cả thời thơ ấu lộ ra trong tâm trí quá mỏi mòn bởi những chen đua vật lộn thường ngày…”, tác giả Ngàn Cánh Hạc nhận xét.
Nhà văn Lê Tất Điều, sinh năm 1942, chia sẻ: “Hơn 40 năm trước, tôi viết Những giọt mực dành cho độc giả thiếu nhi trong thời đại mình, không mơ ước điều gì quá xa xôi hơn. Rồi khi cuốn sách được quan tâm ở thời điểm ấy, tôi từng nghĩ giá như tác phẩm được nối dài qua nhiều thế hệ. Ước mơ ấy cũng dần tàn lụi trong những cuộc bể dâu, không thể ngờ hôm nay được giải thưởng Sách hay mùa giải 2013 đã làm cho Những giọt mực tái sinh”. |
PHƯƠNG MAI