Sao bỗng nhiên lại là Son, trong phút chợp mắt, một buổi trưa mùa thu quá nồng vì nắng. Son là một dấu chấm nhỏ trong tuổi thơ của mình. Không có một tấm ảnh nào với Son. Những kỷ niệm cũng đã phôi phai cùng thời gian.
Cuộc đời đẩy mình đi quá xa, tuổi thơ chỉ còn như một ô cửa, nơi không thể quay về. Trong muôn vàn ký ức vụn vỡ, nỗi nhớ về Son có lúc chỉ bay như một hạt bụi. Son đã thành thiên sứ từ lâu, đã an nhiên ở một nơi nào xa thẳm, mình không biết được. Giống như một tia nắng mà ngay cả ánh sáng của nó cũng chỉ còn lại chút dư ảnh nhẹ trong lòng mình.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Nhưng sự thật là gần 30 năm qua, trên đường mình đi, thảng hoặc lại gặp Son trong một khoảnh khắc diệu vợi nào đó. Dù ngay cả chính mình có lúc cũng không nhìn thấy bóng mình bỏ lại. Đã hết thời đi học, đã hết thời thiếu nữ, mình đã sắp sửa già. Bao nhiêu gương mặt mình gặp trên đường, đã trôi vụt qua, như những cột cây số trên đường cao tốc. Mình không thể nào nhớ hết. Vẫn còn đó hình ảnh của Son, thảng hoặc thôi, nhưng chưa từng mất.
Son, bạn của mình, những năm chúng mình cùng học lớp chuyên văn trường năng khiếu huyện. Son bé bỏng nhất cái lớp học bé bỏng chỉ vỏn vẹn 10 đứa, trong đó có đến 8 đứa là con gái. Mẹ đã khéo đặt cho bạn tên Son, vì bạn da trắng, má đỏ. Lúc nào đôi môi bạn cũng như một nụ hoa vừa nở buổi sớm. Chúng mình mỗi đứa một làng quê, tụ về cái lớp học được tuyển chọn ấy. Cái lớp vừa là nơi để học, vừa là nơi để ngủ. Mỗi đứa được cha mẹ chở đến trường ngày đầu tuần, kèm với gạo và thức ăn, tiền đóng cho các cô cấp dưỡng. Chúng mình đã tập sống đời sống xa nhà, xa cha mẹ từ tuổi lên 10. Những đêm nhớ mẹ, sợ ma, Son yếu đuối thường ngồi khóc ti tỉ trong bóng tối.
Và toilet của trường thì phải đi một đoạn, trong đêm làng quê tĩnh mịch không điện đóm. Chúng mình mò mẫm trong bóng tối để dò đường. Hôm nào quá sợ, chúng mình mở cửa và gào lên gọi thầy Ký yêu mến của chúng mình. Thầy sẽ dẫn đường, sau đó đứng ngoài nói thật to trấn an bọn trẻ nít, rồi đợi chúng tè xong thì lại dẫn đường đưa chúng về phòng.
Chúng mình 10 tuổi khi đó chỉ cao bằng cái chốt chặn cửa trong lớp học. Một vài bạn không chịu được cảnh xa cha mẹ bỏ về trường làng học. Mình và Son và một số bạn vẫn bám trường chuyên, với những buổi dạy văn hay đến mê hồn của thầy Ngọc Ký. Hai đứa ngủ chung một giường, phân công rõ ràng một đứa mang màn, một đứa mang chăn.
Ngày nghỉ học, hai đứa hì hục chở nhau bằng xe đạp vượt hơn chục cây số để về nhà Son. Nhà bạn có một cây sấu cổ thụ. Mùa hè nó trổ cơ man là quả. Mình biết ăn quả sấu đầu tiên trong đời từ cây sấu xum xuê cành lá ấy. Nhà bạn còn có một chiếc cầu ao chênh vênh, nước mát lạnh và mình thích rửa chân ở chiếc cầu ao ấy. Bố mẹ bạn có một xưởng gỗ nhỏ. Mỗi lần về đều thấy bố bạn đang cưa cưa, bào bào để đóng một vật dụng gì đó. Mình thích những chiếc ghế gỗ nhỏ để ngồi ăn cơm mà bố bạn đóng rất đẹp, để bán cho khách hàng của ông. Mẹ bạn rất hiền và rất yêu chiều bọn trẻ nít chúng mình. Trên bàn thờ nhà Son, ảnh anh trai bạn đã mất vì bệnh hiểm nghèo hai năm trước đó. Anh hơn Son 2 tuổi.
Và rồi cái buổi học đầu tiên năm ấy, cái ngày thu đầu tiên năm ấy, năm mình bắt đầu vào lớp 7, Son đã bỏ lại ngôi trường nhỏ thân yêu, bỏ lại bạn bè. Dòng sông nghiệt ngã đã cuốn Son đi trong buổi chiều đầu tiên gặp lại nhau sau những ngày nghỉ hè bao nhiêu thương nhớ. 8 đứa con gái cùng nhảy xuống sông tắm, mà lúc lên bờ chỉ còn 7. Con sông nhỏ chảy êm đềm cạnh trường chúng mình học hằng ngày phút giây trở nên hung dữ, đáng sợ. Nó đã cướp mất Son. Người ta đã tìm Son suốt một đêm, rồi thấy bạn ở khúc sông cách ngôi trường bé tẹo của bọn mình chừng 2 cây số. Thầy cô đưa Son về, đặt Son nằm trên chiếc giường nhỏ, cạnh gốc cây phượng già giữa sân trường đang trổ nốt những bông hoa cuối mùa…
Rồi ngôi trường năng khiếu ấy cũng trở thành ký ức. Mình càng lớn càng đi xa. Son cũng là một ký ức, trong chất chồng những ký ức mình gửi lại. Những năm tháng học hành vật vã, yêu đương buồn chán, phố phường thành thị đã khiến mình bỏ quên nhiều thứ trên mỗi đoạn đường. Đôi khi đâu phải là bỏ quên, mà mình muốn vứt bỏ. Ngỡ như mình đã quên Son, hoặc Son đã dỗi hờn đi ra khỏi ký ức của mình.
Nhưng hình như đã không hẳn thế. Mùa hè năm mình đang là sinh viên, mình về nhà với mẹ. Một ngày buồn mình phóng xe ra biển, ngồi trên bờ đê mặc cho gió thổi. Mình muốn vứt bỏ một chút ưu phiền theo những con sóng. Rồi mình lại phóng xe về nhà. Con đường ngập tràn rơm rạ mùa gặt, muốn đi nhanh xe cũng không nhanh được. Mình đi chầm chậm trên con đường vắng...
Bỗng nhiên mình nghe một tiếng gọi. Trang ơi... Mình dừng xe lại. Con đường không một bóng người. Chỉ nắng chiều và rơm, vàng như bất tận. Mình đã nghĩ đầu óc mình hoang tưởng. Suốt thời tuổi trẻ chỉ lan man thơ phú, chân không bám mặt đường mà thành ra như vậy. Nhưng khi về gần đến nhà, có một luồng ký ức nào dội lại, mình sực nhớ ra đoạn đường ấy. Đoạn đường mình đã nghe một tiếng gọi. Đó chính là đầu con ngõ rẽ vào nhà Son. Mình đã quên mất đường vào nhà bạn. Nhiều năm tháng mình đã quên bạn. Và mình thấy dâng trong lòng một nỗi buồn không thể nào cứu vớt. Mình nhớ nụ cười của bạn, rất hồng và rất xinh.
Cho đến tận bây giờ mình vẫn tin, tiếng gọi đó không hề hoang tưởng…
Có đôi khi một người đã bỏ ta mà đi từ rất lâu. Lâu đến nỗi ta tưởng như mình đã quên họ. Nhưng thật sự là họ vẫn bên ta, ở một nghĩa nào đó.
Bởi vì, những ký ức đẹp đã có, dường như không bao giờ chết. Nó chỉ nằm im, và một hôm nào đó, thức dậy…
BÌNH NGUYÊN TRANG