.
Cafe sáng

"Lão Mai" xứ biển

.

Ông Trợ là người bà con bên ông ngoại tôi. Mẹ tôi gọi ông bằng bác thúc bá. Hồi chiến tranh, ông Trợ chạy giặc từ làng Hà My, Điện Dương ra sinh sống ở Mỹ Khê, Đà Nẵng. Ông lấy vợ, sinh được 6 người con.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Khi chiến tranh ngày càng ác liệt, tôi mới vài tuổi, mẹ gánh tôi một đầu, một đầu gánh đồ đạc, dẫn theo dì Lan chạy giặc ra Mỹ Khê, ban đầu trú ở nhờ nhà ông Trợ. Thời gian sau, ông cho mẹ mảnh đất bên cạnh làm căn nhà nho nhỏ.

Tôi nhớ, ông Trợ dáng người cao to, nước da ngăm đen, tóc xoăn, người lực lưỡng như lão nông tri điền, bàn chân to, xòe ra vững chải. Ông làm vườn rất giỏi. Trong khu vườn nhà ông lúc nào cũng ngan ngát hương hoa, nào vạn thọ, mồng gà, cúc, thượt dượt, xà lách, ngò, tần ô, rau đậu, xanh ngát cả khu vườn rộng, nhất là độ sau tháng 10 âm lịch đến qua tết đến giêng hai.

Chiều nay, gió bấc ùa về, se lạnh. Sóng biển rì rầm ngoài khơi xa. Từng cơn gió cuốn cát biển bay mịt mù. Tôi chạy về thăm cậu. Tết đến nơi rồi mà xóm biển này dường như không khí vẫn lặng lẽ. Hình như Tết vẫn ở đâu đó chứ chưa về nơi đây.

Cậu ngồi khoanh tay nhìn ra sân. Bao năm rồi cậu vẫn hay ngồi như vậy. Cậu bảo, mấy năm nay đau ốm, có làm ra đồng bạc nào đâu. Trước đây, cậu làm công nhân bốc vác ở cảng, sức khỏe kém dần, cậu nghỉ mất sức. Những năm trước, cũng như nhiều khu vườn chung quanh xóm cát ven biển Mỹ Khê này, vườn nhà cậu đất đai còn rộng rãi, cậu trồng nhiều laghim bán Tết, kiếm tiền trang trải. Mấy năm gần đây, đất đai ngày càng thu hẹp. Mảnh đất của ông bà để lại, gia đình cậu phân chia cho anh chị em, con cháu mỗi người một mảnh nhỏ để xây dựng nhà. Phần cậu ở ngôi nhà của ông bà xây dựng đã mấy chục năm nay lo thờ phụng ông bà, cha mẹ. Khoảng sân nhỏ còn lại trước nhà chỉ đủ trồng vài luống xà lách ăn Tết cho vui.

Cậu nói như đinh đóng cột: Bây giờ, cả quận 3 ni đố tìm đâu ra cây mai ta nhiều năm tuổi như cây mai nhà cậu. Nó đã lên hàng “lão mai” rồi. Cây mai già đang chúm chím những nụ vàng chờ ngày khoe sắc, thân thẳng, gốc to, rễ nổi lên mặt đất xù xì, quanh co như con rắn, chắc khỏe, cành lá tỏa xum xuê. Mỗi mùa Tết, hoa nở vàng rực, nồng nàn khoảng sân, bà con quanh xóm ai cũng tấm tắc khen cây mai đẹp, quý hiếm.

Cậu kể, lâu lắm rồi, khoảng 60 năm về trước, cậu lớn lên đã thấy cây mai. Bao nhiêu năm trôi qua thì cây mai bấy nhiêu tuổi. Thời gian chất chồng bao kỷ niệm, bao ký ức đong đầy. Một lần bà bị sợi tóc đâm lọt vào mắt, ông chạy tìm thầy lang. Nghe người ta mách bảo, ông chạy vào mời thầy ở Hòa Hải. Sau khi lấy được sợi tóc trong mắt bà, ông thầy trở nên thân thiết với ông. Nghe ông thích trồng mai nhưng chưa tìm ra loại mai ta ưng ý, hôm sau ông thầy liền đem cho cây mai. Ông đem trồng trong khoảng sân rộng trước ngôi nhà ngói ba gian.

Chẳng mấy năm ông chăm bẵm, cây mai mỗi ngày một cao lớn, cành lá tỏa xum xuê. Mấy năm sau, cây mai ra hoa đầu mùa, nụ vàng e ấp khoảng sân nhà ông. Bà bị bệnh qua đời. Ông buồn, trở nên trầm ngâm, ít nói.

Cách đây hơn 10 năm, ông cũng qua đời. Tôi từ Tam Kỳ (Quảng Nam) về viếng ông mà lòng ngậm ngùi đau xót. Mấy cậu, mấy dì đưa ông về quê xây ngôi mộ. Năm đó, cây mai bỗng buồn hơn, không nở nhiều hoa vàng rực cả khoảng sân như lệ thường, đến giáp Tết rồi nhưng chỉ loe ngoe mấy cành có vài ba nụ. Cậu kể, túng tiền sắm sanh 3 ngày Tết, cậu đành chặt mấy nhánh có búp đem qua trung tâm Đà Nẵng bán. Chợt nhớ ai đó đã nói quả không sai “đời mai là đời người”.

Gần đây, nghe đâu mấy người xây khách sạn, nhà vườn trong thành phố nhiều lần đến lân la dạm hỏi mua, trả mấy chục triệu đồng nhưng cậu nhất quyết không bán, mặc dù gia đình rất khó khăn, cậu mợ mấy năm nay già yếu, hay đau ốm, không làm gì ra tiền. Gần đây, cậu tận dụng mảnh đất còn rộng xây căn phòng nhỏ cho thuê trọ, mỗi tháng được mấy trăm ngàn đồng. Cậu nói cậu nâng niu, gìn giữ cây mai già này như kỷ niệm, mấy cũng không bán. Mấy năm gần đây, năm nào đến giáp Tết, cây mai cũng nở vàng rực cả sân, nhìn vui mắt lắm.

Mỗi lần nhớ Mỹ Khê, nhớ con hẻm quen quen dẫn về nhà cậu, nhớ những chiều cùng lũ bạn xóm cát chơi những trò chơi dân gian thời con nít, tôi chạy về thăm cậu, thắp hương cho ông. Nhìn cây mai già đang chúm chím nụ chồi, khoe sắc hương ngày giáp Tết, hình ảnh ông già lực lưỡng như hiển hiện trước mặt tôi.

ĐINH VĂN DŨNG

;
.
.
.
.
.