Xem - Nghe - Đọc

Thế giới sách

Quế Sơn, một chân dung đặc biệt

08:47, 22/06/2015 (GMT+7)

Huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam) cũng có những lần thay đổi về địa vực, ranh giới hành chính như nhiều vùng khác trong lịch sử, khi huyện Nông Sơn được tách ra.

Quế Sơn, đất và người gồm 6 chương đầy đặn, phong phú.
Quế Sơn, đất và người gồm 6 chương đầy đặn, phong phú.

Nhưng đây là vùng đất có một “chân dung đặc biệt” và vẫn giữ những gia tài độc đáo về văn hóa làng, xã, nghề nghiệp truyền thống, những lễ hội dân gian đặc trưng của giao thoa văn hóa Chăm - Việt và nhiều nhân vật biết vượt qua những khó khăn, gian khổ để học hành, thành tài, tạo ra một chân dung văn hóa, một “tấm căn cước riêng” làm nên diện mạo những vùng quê…

Các tác giả Lê Thí, Phạm Úc và Trương Vũ Quỳnh đã mất nhiều năm nghiên cứu tài liệu, điền dã để hình thành cuốn sách mang tên Quế Sơn, đất và người (NXB Hội Nhà Văn, 2015) dày hơn 600 trang. Lần theo công trình này, chúng ta biết thêm sự hình thành của một vùng đất mà các vị tiền hiền như Phạm Nhữ Dực và các hậu duệ của ông đã có công khai phá, xây dựng trong nhiều thế kỷ sau đó.

Ta lại biết thêm, đợt di cư đông đảo vào sinh sống ở Quế Sơn là sau năm 1402, khi Hồ Hán Thương đem quân tấn công lãnh thổ của người Chiêm và thành lập 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. “Một chứng cứ khác rất thuyết phục cho luận điểm này là di tích mộ của Phạm Nhữ Dực (1319-1409) hiện nay còn ở làng Đồng Tràm, thuộc xã Hương An, được chôn vào năm 1409 - năm mà người Chiêm đã lấy lại vùng Thăng Hoa và cả phần phía nam châu Hóa (Bắc Quảng Nam ngày nay), được gần 2 năm.

Không chỉ có mộ Phạm Nhữ Dực, mà các con, cháu của ông là Phạm Đức Đề, Phạm Nhữ Dự cũng được chôn ở vùng Thăng Hoa. Tộc Phạm cũng quyết lấy đất Quế Sơn làm quê hương thứ hai của mình ở xứ Đàng Trong…”, hay “Lịch sử của làng Nghi Sơn (xã Quế Hiệp) cũng cho biết thế hệ thứ hai đến sinh sống thực sự tại làng và trở thành tiền hiền của làng thuộc các họ Lê, Đinh, đã từ Nghi Lộc (Nghệ An) theo vua Lê đi bình Chiêm năm 1471.

Sau đó, triều đình đã yêu cầu ở lại khai phá vùng đất mới này. Sau này, dưới thời nhà Lê và thời các chúa Nguyễn, cuộc di cư đến sinh sống ở Quế  Sơn vẫn được tiếp diễn nhưng có lẽ không ồ ạt như trước. Đợt di cư lớn nhất trong giai đoạn này có lẽ diễn ra vào cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII khi Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa (1558) rồi sau này kiêm quản luôn xứ Quảng Nam (1570)…”. Các tác giả đã minh chứng lịch sử qua nhiều tài liệu, chứng cứ lịch sử. Nhưng quan trọng hơn là những tư liệu điền dã công phu của nhóm tác giả khi tiếp cận, nghiên cứu nhiều gia phả của nhiều tộc họ hiện sinh sống ở Quế Sơn có lịch sử gần 600 năm và rất trùng khớp với cuộc di dân dưới thời Hồ Quý Ly…

Quế Sơn, đất và người gồm 6 chương đầy đặn, phong phú, nhưng quan trọng nhất vẫn là phần giới thiệu “Nhân vật Quế Sơn”. Chúng ta đọc lại những tư liệu về Phạm Nhữ Dực, Phạm Nhữ Dự (1378-1434),  “Thượng tướng bình Chiêm” Phạm Nhữ Tăng cùng các hậu duệ lừng danh của tộc Phạm, về tiền hiền Nguyễn Văn Lang (hay Lãng) được xem là thủy tổ khai cơ của tộc Nguyễn tại vùng đất Hương Quế (xã Quế Phú, huyện Quế Sơn) và con trai ông là Nguyễn Ngọc Thanh sau này đã theo phò Nguyễn Kim, được phong làm Chánh Đô đốc và là một trong tam vị tiền hiền của làng Hương Quế.

Lịch sử Quế Sơn còn sinh ra những người con như: Thứ Phu Phan Văn Thuật, Hối Thúc Phan Quang, Nguyễn Mậu Hoán, một trong tứ kiệt Quảng Nam… Rồi đến những tướng lĩnh, những nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà chính trị đương đại Phan Khoang, Phan Du, Nguyễn Huy Chương, Hoàng Châu Ký, Nguyễn Xuân Phúc, Tường Linh, Ý Nhi, Hoàng Hương Việt, Huỳnh Văn Hoa…; và những gương mặt còn rất trẻ nhưng đã có chỗ đứng trong làng văn, học giới… Tất cả hơn 50 nhân vật, tạo cho Quế Sơn một diện mạo đáng nể về văn hóa và lịch sử.

Những di tích văn hóa như Đồng Tràm, Hương Quế, căn cứ Trung Lộc của cụ Hường Hiệu, chợ Đàng, Hòn Tàu, làng hát bội Đức Giáo, làng cổ Nghi Sơn… cùng các làng nghề truyền thống, những thắng cảnh của vùng đất này cũng được tái hiện, bên cạnh những tác phẩm văn học tiêu biểu được trích dẫn. Qua đó, các tác giả còn muốn đi xa hơn nữa ngoài một công trình mang tính địa dư chí như ta vẫn thấy.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

.