Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó phòng Sở hữu trí tuệ và Hợp tác quốc tế thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, so với 10 năm trước, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trên địa bàn thành phố đã có bước phát triển nhảy vọt.
Bánh tráng thịt heo Trần và Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ là hai đơn vị đã đăng ký quyền bảo hộ SHTT sản phẩm của mình. |
Trước đây có thời điểm suốt cả tháng không có một tổ chức hay cá nhân nào đến Sở Khoa học và Công nghệ để tìm hiểu hay đăng ký về quyền bảo hộ SHTT. Với rất nhiều nỗ lực tuyên truyền, sau đó trung bình mỗi năm tại Đà Nẵng có khoảng vài chục cá nhân, đơn vị đến đăng ký. Tuy nhiên, mọi việc đã có bước chuyển biến tích cực, khi UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 28/1998/CT-UB về việc “Thực hiện quản lý thống nhất bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn thành phố”.
Đến cuối năm 2009, trên địa bàn thành phố đã có gần 1.000 cá nhân, đơn vị đăng ký độc quyền nhãn hiệu hàng hóa, sáng chế, giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp. Đặc biệt trong khoảng 3 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm có trên 200 cá nhân, đơn vị được cấp quyền bảo hộ SHTT. Điều đáng ghi nhận là việc đăng ký quyền bảo hộ SHTT không còn “khu trú” ở các đơn vị có quy mô lớn như Công ty Dệt may 29-3, Tổng Công ty Dệt may Hòa Thọ, Cienco 5, Cảng Đà Nẵng… mà đã có khá nhiều đơn vị quy mô nhỏ hơn như Công ty TNHH Thanh Niên, Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Linh, Cơ sở Tân Nhật Tân…
Đáng chú ý, có khá nhiều sản phẩm, ngành nghề truyền thống đã đăng ký bảo hộ SHTT như nước mắm Nam Ô, Bánh khô mè Bà Liễu, Tré bà Đệ, Đá mỹ nghệ Non Nước, hay mới đây là Bánh tráng thịt heo Trần… Trong hơn một năm trở lại đây, có khá nhiều cá nhân, đơn vị đăng ký quyền bảo hộ dịch vụ được xem là khá mới mẻ như lĩnh vực massage, ăn uống-giải khát, thẩm mỹ… Chính điều này đưa Đà Nẵng trở thành một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển bảo hộ quyền SHTT, không chỉ ở góc độ số lượng đăng ký bảo hộ, mà cơ cấu ngành nghề rất đa dạng. Đà Nẵng cũng là một trong số ít địa phương làm tốt việc huy động được nhiều kênh thông tin tuyên truyền để các cá nhân, đơn vị hiểu và đăng ký quyền SHTT. Điển hình là Sở Kế hoạch và Đầu tư, mỗi khi cấp giấy phép kinh doanh cho các đơn vị đều tư vấn cho họ nên đăng ký quyền bảo hộ SHTT. Bên cạnh đó, lực lượng Quản lý thị trường, Công an, Hải quan… đều có cán bộ chuyên trách về SHTT để cung cấp, hướng dẫn thông tin cho các đối tượng.
Mặc dù đã có bước chuyển biến tích cực như vậy, nhưng việc đăng ký quyền bảo hộ SHTT trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Trước hết, đó là tỷ lệ DN đăng ký quyền bảo hộ SHTT còn rất thấp, chưa đến 10% tổng số DN đang hoạt động. Chính vì vậy, dẫn đến tình trạng tranh chấp nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp thời gian gần đây có xu hướng tăng. Theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường thành phố, thời gian qua đã xử lý trên 300 vụ vi phạm về quyền bảo hộ SHTT, ngành Công an xử lý 880 vụ; ngoài ra lực lượng Hải quan, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ mỗi năm cũng xử lý cả trăm trường hợp vi phạm và tranh chấp giữa các chủ thể. Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, vấn đề đang nổi lên tại Đà Nẵng và các địa phương lân cận, là tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân “vận dụng” quyền SHTT bằng cách “ăn theo” các sản phẩm nổi tiếng. Đáng ngại nữa là tình trạng khiếu kiện lẫn nhau nhưng không bên nào chứng minh được mình là chủ thể của các nhãn hiệu được sử dụng. Mặc dù vậy, khi được vận động đăng ký quyền bảo hộ SHTT, những đối tượng này lại không thực hiện.
Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới, đã ký cam kết thực hiện Hiệp định TRIPS về SHTT, Công ước Paris về sở hữu công nghiệp, Công ước Berne về quyền tác giả… Chính vì vậy, chúng ta phải thực hiện nghiêm túc các cam kết, nếu không sẽ dễ bị các đối tác nước ngoài khởi kiện. Đến lúc đó, việc các sản phẩm của chúng ta thua trên “sân nhà” là điều khó tránh khỏi. Ngược lại, chúng ta không thể đầu tư ra nước ngoài, một khi không bảo đảm các điều kiện về đăng ký quyền bảo hộ SHTT.
Bài và ảnh: Thanh Vân