Hầm biogas bằng gạch có tuổi thọ không cao bằng sử dụng màng HDPE.
Tròn 20 năm theo đuổi việc nghiên cứu cải tiến hầm biogas, đến nay, ông Trương Gặp, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng năng lượng mới Đà Nẵng, đã xây lắp hơn 1.000 hầm biogas cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố và nhiều địa phương khác.
Với lòng đam mê nghiên cứu, ông rất thành công trong việc khắc phục những hạn chế mà hầm biogas khác thường gặp phải. Đó là khu vực xây hầm không bảo đảm vệ sinh, do một số công đoạn trong quá trình vận hành không được khép kín nên ruồi nhặng bu đến. Ngọn lửa sử dụng khí biogas khi đốt không có màu xanh, thường là màu vàng đỏ, nên lượng nhiệt cung cấp không bảo đảm. Tuy nhiên, với những cải tiến của mình, gần như những hầm biogas do ông thiết kế đều giải quyết được những khuyết điểm trên. Đặc biệt, với việc thay đổi nắp hầm có hình cầu thay vì bằng phẳng như những thiết kế khác, đã tạo nên lực phá vỡ lớp váng trên, để từ đó khí gas thoát ra mà không cần phải dùng dụng cụ sục như cách truyền thống. Bên cạnh đó, nhờ nguyên lý hoạt động từ giai đoạn hiếu khí đến yếm khí tạo nên tỷ lệ khí mê-tan đáng kể, nên khi sử dụng rất dễ cháy và cho ngọn lửa xanh với nhiệt lượng tỏa ra rất cao.
Sử dụng màng HDPE, hầm biogas có tuổi thọ cao hơn, chi phí thấp hơn. |
Trước những thành công có ý nghĩa này, vừa qua, Quỹ Khuyến khích sáng tạo Khoa học và Công nghệ Hồ Nghinh đã tài trợ 15 triệu đồng để sắp đến, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật thành phố xây điểm một hầm sử dụng công nghệ màng HDPE tại huyện Hòa Vang, sau đó tiếp tục nhân rộng ra các địa phương khác.
Bài và ảnh: Thanh Sơn