Được thử nghiệm từ tháng 8-2003 tại 2 xã Hòa Phú, Hòa Tiến (Hòa Vang) và phường Hòa Hải (Ngũ Hành Sơn), mô hình Điểm thông tin Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tại các xã, phường của Trung tâm Thông tin KH-CN thành phố đã được chính quyền địa phương và nông dân đón nhận tích cực.
Bà con nông dân xã Hòa Bắc đọc tài liệu về khuyến nông tại Điểm thông tin KH-CN của xã. |
Với sự hợp tác tốt từ UBND các xã, phường, cũng như các hội, đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ…, các địa phương đã tổ chức nhiều hình thức phổ biến kiến thức cho nông dân như chiếu phim tập trung tại trụ sở UBND xã, phường, cho nông dân mượn đĩa CD về nghiên cứu, đến UBND xã, phường để truy cập thông tin qua mạng Internet… nên thu hút ngày càng đông nông dân đến tìm hiểu thông tin về sản xuất, chăn nuôi.
Chính sự khởi đầu khá thành công này mà Trung tâm Thông tin KH-CN đã mạnh dạn tiếp tục đầu tư Điểm thông tin KH-CN cho 8 xã khác, bao gồm Hòa Bắc, Hòa Ninh, Hòa Sơn, Hòa Phong, Hòa Liên, Hòa Khương, Hòa Phước và Hòa Châu, tạo nên một mạng lưới cung cấp thông tin KH-CN khép kín cho cả huyện Hòa Vang.
Chính nhờ mạng lưới Điểm thông tin KH-CN này mà thời gian qua, huyện Hòa Vang đã xuất hiện khá nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi mới mẻ và hiệu quả. Điển hình như ở các xã Hòa Bắc, Hòa Sơn, Hòa Ninh, nông dân khá thành công với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng hoa, ngô lai, đậu xanh; các xã Hòa Bắc, Hòa Sơn, Hòa Ninh có các câu lạc bộ trồng hoa, sản xuất rau an toàn. Cá biệt, có một số xã nhờ khai thác tốt thông tin nên đã có thêm nghề mới đem lại thu nhập ổn định cho nông dân. Điển hình như Hòa Bắc là nghề trồng tre lấy măng, Hòa Phước trồng nấm rơm, Hòa Phú trồng chuối, Hòa Liên, Hòa Phú là nuôi ếch và nuôi cá…
Đặc biệt, thông qua việc tiếp cận thông tin từ Điểm thông tin KH-CN này mà nhiều nông dân huyện Hòa Vang đã ý thức được việc sản xuất phải đi đôi với bảo vệ môi trường, biết khai thác tối đa điều kiện thổ nhưỡng đất đai. Ngoài ra, các Điểm thông tin KH-CN còn là địa chỉ để các hội, đoàn thể của địa phương đến tìm thông tin tài liệu, phim, hình ảnh… phục vụ công tác tuyên truyền, vận động người dân làm giàu từ kinh tế VAC, phòng chống thiên tai, tệ nạn xã hội. Đơn cử như Điểm thông tin KH-CN xã Hòa Tiến đã trở thành địa chỉ cho ngành giáo dục nhiều địa phương khác trên cả nước đến học tập về mô hình giáo dục cộng đồng.
Mặc dù vậy, trên thực tế không phải Điểm thông tin KH-CN nào cũng mang lại kết quả như mong muốn. Nguyên nhân chính là sự thiếu quan tâm của chính quyền địa phương dẫn đến tình trạng một số điểm gần như không thu hút nông dân đến tìm thông tin. Cá biệt như tại Điểm thông tin KH-CN ở xã Hòa Ninh, công tác bảo quản thiết bị kém đã hạn chế rất nhiều việc khai thác thông tin của nông dân.
Hoặc tại Điểm thông tin KH-CN của xã Hòa Phú, thiết bị được trang bị không được sử dụng đúng mục đích. Ông Bùi Chính Cương, Giám đốc Trung tâm Thông tin KH-CN cho biết: “Chúng tôi chỉ có thể giúp họ ban đầu về cơ sở vật chất, tập huấn kỹ năng sử dụng Internet, khai thác đĩa CD…, còn lại các điểm này có hoạt động hiệu quả hay không chủ yếu từ địa phương. Xuất phát từ thực tế kiểm tra vừa qua cho thấy, nhìn chung các địa phương đều ủng hộ, bà con nông dân rất thích thú nên trung tâm đang tích cực tìm nguồn kinh phí để tiếp tục hỗ trợ các Điểm thông tin KH-CN này. Đặc biệt, chúng tôi sẽ nâng cấp các trang web của 4 xã để thêm một kênh thông tin cho bà con nông dân tiếp cận với những thành tựu KH-CN”.
Bài và ảnh: Thanh Vân