.

Biến nước thải thành nước sạch

.

Đó là kết quả của một đề tài nghiên cứu khoa học do các sinh viên Khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng thực hiện và đoạt giải nhất tại Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học, do Đại học Đà Nẵng tổ chức vào tháng 6 năm 2010 vừa qua.

 

Mô tả ảnh.
Cây chuối hoa phát triển tạo nên cảnh quan cho hồ công viên.

Tên cụ thể của đề tài là “Nghiên cứu kiểm soát sự ô nhiễm nguồn nước của hồ Công viên 29-3, bằng mô hình đất ướt” từ cây chuối hoa, do 4 bạn sinh viên năm 4, Khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng thực hiện gồm: Lê Văn Sơn, sinh viên lớp 07MT1; Phạm Phú Lâm, Trịnh Vũ Long, Phan Thị Kim Ngà, sinh viên lớp 07MT2, nhằm áp dụng công nghệ sinh thái để giải quyết vấn đề sự kiểm soát phú dưỡng tại hồ công viên.

Từ cây chuối hoa

Ngày nay, vai trò của nguồn nước mặt, trong đó các hồ ở các đô thị là hết sức quan trọng. Hồ là nơi điều tiết nước mưa, điều hòa khí hậu và tạo cảnh quan cho khu vực, tuy nhiên các hồ ở đô thị thường bị ô nhiễm nguồn nước. Do tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa khá nhanh cùng sự gia tăng dân số gây áp lực ngày càng nặng nề đối với tài nguyên nước, nên môi trường nước ở đô thị, khu công nghiệp… bị ô nhiễm bởi nước thải, khí thải và chất thải rắn. Ở các thành phố lớn, hàng trăm cơ sở sản xuất công nghiệp đang gây ô nhiễm môi trường nước do không có công trình và thiết bị xử lý chất thải.

Hồ Công viên 29-3 cũng đang bị ô nhiễm do sự xâm nhập một lượng lớn ni-tơ và phốt-pho từ nước thải sinh hoạt của khu dân cư lân cận hồ. Mặc dù, nhiều biện pháp kiểm soát nguồn nước đã được thực hiện nhưng không hiệu quả. Trong khi, nguồn gây ô nhiễm chính cho nước hồ là nước thải sinh hoạt vẫn tiếp tục chảy vào.

Từ thực tế trên, nhóm sinh viên đã nghiên cứu, tìm giải pháp để góp phần bảo vệ môi trường nói chung và ô nhiễm nguồn nước nói riêng.

Đối tượng nghiên cứu là cây chuối hoa, có tên khoa học là cannan geniralis bail. Là loại cây bụi có hoa mọc thành chùm ở ngọn gồm nhiều hoa to xếp sát nhau, phù hợp với mô hình đất ướt, với các đặc điểm nổi bật so với các loại thực vật khác, có tiềm năng trong việc hấp thụ và xử lý các chất gây ô nhiễm nguồn nước. Hơn nữa, loại cây này mang lại mỹ quan cho đô thị, lại dễ chăm sóc và phát triển rất nhanh.

Mô tả ảnh.
Mô hình nghiên cứu xử lý nước thải của các bạn sinh viên.

Ứng dụng vào thực tế

Hằng ngày, nhóm sinh viên đã tiến hành bơm nước từ cống thải vào bồn chứa nước, điều chỉnh van của các ống dẫn tùy theo thời gian nước lưu của các mô hình trồng cây chuối hoa, sau đó tiếp tục bơm nước vào lại bồn cho chảy qua các mô hình theo chu kỳ từng ngày một, đồng thời lấy mẫu nước đầu ra ở các mương thu nước vào lúc 7 giờ sáng.

Qua gần nửa năm triển khai thực hiện nghiên cứu tại Công viên 29-3, sau khi tiến hành phân tích các chỉ tiêu SS, TDS, DO, pH, độ kiềm toàn phần, độ axit toàn phần…, kết quả cho thấy các loại thực vật trong mô hình đều phát triển mạnh, các cây chuối hoa đều cho hoa, sinh chồi mới và cây non rất nhiều, chứng tỏ cây đã thích nghi tốt với nguồn nước hồ Công viên 29-3 bằng mô hình đất ướt.

Hiện nay, các mô hình xử lý nước thải phần lớn khá tốn kém, do đó những mô hình đơn giản có thể giúp nhiều hộ gia đình tái sử dụng nguồn nước, không gây ô nhiễm môi trường. Sau khi có kết quả nghiên cứu từ hồ Công viên 29-3, bạn Lê Văn Sơn lại tiếp tục nghiên cứu mô hình đối với nước thải sinh hoạt tại các hộ gia đình nhỏ, nhằm giảm thải, tái sử dụng nguồn nước, thải ra môi trường lượng nước thải tương đối sạch.

Lê Văn Sơn cho biết: “Trong thành phần nguồn nước bị ô nhiễm, có hàm lượng ni-tơ, phốt-pho cao, cây chuối hoa đã phát triển trong nguồn nước đó, chứng tỏ cây có khả năng hấp thụ...”. Do đó, nếu cây chuối hoa có thể được trồng rộng rãi và nhân rộng tại các hộ gia đình nhỏ, các hồ nước công cộng, sẽ giảm thiểu nguồn nước ô nhiễm ra môi trường.

Mô hình đất ướt rất dễ xây dựng, có hiệu suất chuyển hóa cao, chất lượng nước sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn B, bảo đảm không gây ô nhiễm cho nguồn nước. Hơn nữa lại vận hành với kinh phí thấp so với các hệ thống xử lý nước thải đắt tiền.

Đây là một trong những công trình nghiên cứu khoa học mà theo Sơn và các bạn trong nhóm là “… Đem kiến thức học được ứng dụng vào thực tế, phát huy sâu chuyên ngành… ước mong nhân rộng mô hình, giúp hệ thống xử lý nước thải của thành phố đỡ vất vả hơn, giảm đi lượng nước ô nhiễm thải ra môi trường”.

Bài và ảnh: K.Oanh

;
.
.
.
.
.