.

Quản lý chất lượng viễn thông

.

Trong vòng gần một tháng nay, rất nhiều khách hàng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang sử dụng  dịch vụ di động của S-Fone đã đến trụ sở của S-Fone để chất vấn vì sao tình trạng không có sóng của S-Fone trên điện thoại di động kéo dài. Chị N.P.T, một khách hàng thuê bao trả trước của S-Fone cho biết, khi đến gặp nhân viên phòng kinh doanh thì họ trả lời ấp úng, không dứt khoát: “Có thể là do thay đổi công nghệ,  nâng cấp trạm, quý khách cố gắng đợi một thời gian, nhưng đợi bao lâu thì chính chúng tôi và cả các kỹ thuật viên cũng không biết”.

Thị trường viễn thông Đà Nẵng ngày càng đa dạng.
Thị trường viễn thông Đà Nẵng ngày càng đa dạng.

Những khách hàng truyền thống của S-Fone đã từng vui mừng đón nhận nhà mạng đầu tiên cung cấp dịch vụ viễn thông di động theo công nghệ CDMA tại thị trường Việt Nam từ năm 2003 thì giờ đây đang rơi vào hoàn cảnh “khóc dở” vì tiếc sim số đẹp, mất tiền mua điện thoại và quan trọng hơn là bị cắt đứt liên lạc trong công việc chỉ bởi công nghệ độc quyền của nhà mạng.

Theo thông tin từ Điện lực Đà Nẵng, S-Fone đang nợ tiền điện đến vài trăm triệu và Điện lực Đà Nẵng đã ngừng cung cấp điện ở một số trạm, khiến việc phủ sóng của S-Fone trên địa bàn thành phố bị khuyết ở nhiều nơi. Trong khi đó, Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, S-Fone ngừng đầu tư phát triển, ngừng hoạt động một số trạm thu phát sóng trên địa bàn thành phố, phần còn lại của mạng lưới và bộ máy tổ chức vẫn hoạt động và cho đến nay, Sở chưa nhận được thông báo chấm dứt hoạt động của S-Fone.

Nếu thông tin hoàn toàn chính xác như trả lời  Báo Tuổi trẻ vào ngày 7-3-2012 của ông Phạm Tiến Thịnh, Giám đốc điều hành S-Fone là “do quá trình liên kết, tối ưu hóa sử dụng truyền dẫn và các dịch vụ khác liên quan diễn ra trong một thời gian dài và rất phức tạp về kỹ thuật nên chất lượng dịch vụ của S-Fone đã ít nhiều bị ảnh hưởng, một vài khu vực có thể bị gián đoạn”, vậy tại sao S-Fone không minh bạch thông báo đến khách hàng cũng như cơ quan quản lý Nhà nước biết về thực trạng này? Việc S-Fone cung cấp dịch vụ viễn thông kém chất lượng, gần như không thể liên lạc được ở nhiều khu vực và hoàn toàn bỏ mặc khách hàng đã gây các thiệt hại phát sinh cho khách hàng sẽ được bảo vệ như thế nào?

Sở Thông tin và Truyền thông thành phố cho hay, việc cấp phép cho các nhà mạng là do Chính phủ và Bộ Thông tin - Truyền thông, việc kiểm tra chất lượng dịch vụ viễn thông cũng chỉ Bộ Thông tin - Truyền thông mới có thẩm quyền chủ trì. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng dịch vụ di động, trong năm 2012, Sở Thông tin và Truyền thông trực tiếp tổ chức kiểm tra chất lượng, với sự hỗ trợ máy móc đo kiểm của Bộ TT-TT nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng và thông tin liên lạc phát triển kinh tế, xã hội.

Thị trường viễn thông Đà Nẵng có đặc điểm dân số ít nhưng tập trung và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin cao, nên sự cạnh tranh càng quyết liệt, nếu nhà mạng không cung cấp dịch vụ chất lượng, băng thông rộng và nhiều dịch vụ gia tăng thì sẽ bị “tẩy chay”. Đà Nẵng hiện có  khoảng 283.500 thuê bao cố định,  1.925.847 thuê bao di động trả trước và 157.000 thuê bao di động trả sau từ 6 nhà mạng: Mobifone, Viettel, Vinaphone, Beeline, Vietnamobile, S-Fone. Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông, chất lượng dịch vụ viễn thông hiện nay rất kém!

Nếu nhà mạng nào cũng tùy tiện cung cấp dịch vụ theo kiểu “ngẫu hứng” kiểu như S-Fone hiện nay, thì  trách nhiệm  thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước phải được tăng cường mạnh mẽ hơn.

Bài và ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN

;
.
.
.
.
.