.

Game online: Đâu chỉ là trò chơi!

.

Sống xa gia đình, thiếu sự quản lý, giáo dục của bố mẹ, nhiều sinh viên (SV) đã vùi lấp tuổi trẻ của mình vào thế giới ảo của trò chơi trực tuyến (game online).

Chân dung “game thủ”

Một tiệm Internet trên đường Tôn Đức Thắng, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng luôn chật khách vì chỗ này được biết đến với giá rẻ, 2.000 đồng/giờ truy cập.
Một tiệm Internet trên đường Tôn Đức Thắng, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng luôn chật khách vì chỗ này được biết đến với giá rẻ, 2.000 đồng/giờ truy cập.

Hiện nay, việc có một máy tính kết nối Internet để phục vụ học tập, nghiên cứu, tìm tài liệu của SV trở thành phổ biến. Song, nhiều SV lại không sử dụng máy tính vào việc học mà thay vào đó là những trò chơi trực tuyến vô bổ, độc hại. N.K.T, SV năm cuối Trường Cao đẳng (CĐ) Công nghệ Đà Nẵng là một “tín đồ” của game Đột kích. Lịch trình một ngày của T. rất đơn giản: Sáng 7 giờ có mặt tại quán Internet B. trên đường Thanh Sơn, tối 23 giờ về lại phòng trọ, buổi trưa thì ăn tạm ổ bánh mì hoặc tô cháo ngay tại tiệm game. Học đến năm 3 rồi, nhưng T. vẫn không nhớ rõ tên của các bạn trong lớp vì rất hay vắng học.

Tệ hại hơn là trường hợp của N.V.L, SV năm 4 Trường Đại học (ĐH) Bách khoa Đà Nẵng. L. đã có nguyên một học kỳ chỉ ngồi ở nhà… chơi game, bỏ bê học hành. Lý giải về điều này, L. cười nhạt: “Mấy học kỳ trước mình học vượt mấy học phần rồi, hơn nữa lại không nợ môn nào nên kỳ này có nghỉ cũng chẳng sao, bảo đảm ra trường đúng thời gian”. Chiếc máy tính để bàn phòng L. luôn ở tình trạng hoạt động 24/24 giờ để chủ nhân nó “cày” game Gunny thâu đêm suốt sáng. L. ngồi “mọc rễ” trên máy tính suốt ngày này qua ngày khác, mắt dán vào màn hình, miệng thỉnh thoảng còn phát ra những câu chửi tục khi nhân vật của mình bị thua trên thế giới ảo. Ngay cả việc ăn uống của L. cũng tại chỗ luôn với một hộp cơm để sẵn trên bàn máy tính. Chơi nhiều quá, cộng với ăn uống thất thường, ngủ ít khiến L. gầy sọp hẳn đi, mặt hốc hác, mắt lờ đờ như kẻ mất hồn.

Trả giá đắt

Trở lại với trường hợp của N.K.T, SV năm cuối CĐ Công nghệ Đà Nẵng, T. đầu tư rất nhiều thời gian và tiền bạc để “tậu” bằng được những món đồ “khủng” cho nhân vật của mình nhưng do sơ suất nên toàn bộ tiền bạc và tài sản ảo của T. bị hacker phá hết. T. buồn và tiếc hùi hụi về những món đồ trị giá lên đến cả triệu đồng của mình. Do “say” game online quá nên năm cuối rồi mà T. cứ “bình chân như vại” với đống bài tập và đồ án tốt nghiệp ra trường. Không những thế, cậu còn phải đối mặt với nguy cơ ra trường muộn một học kỳ vì nợ quá nhiều môn. Đáng buồn hơn là trường hợp của T.M.T, cựu sinh viên khoa Tin, ĐH Sư phạm Đà Nẵng. M.T đã cầm cố hết những tài sản có giá trị của mình như điện thoại di động, lap-top để “nướng” vào game online. Nợ tiền trọ, M.T bị chủ nhà đuổi ra ngoài. Mấy đứa bạn cho biết trong ký túc xá (KTX) còn chỗ trống nên M.T “nhảy” vào ở “chui” để khỏi phải tốn tiền.

Chiêu thức giảm giá để hút khách của một tiệm Internet trên đường Phạm Như Xương: từ 3.000 đồng/giờ xuống 2.500 đồng/giờ.
Chiêu thức giảm giá để hút khách của một tiệm Internet trên đường Phạm Như Xương: từ 3.000 đồng/giờ xuống 2.500 đồng/giờ.

Do cậu rất ít khi ở trong phòng nên Ban quản lý KTX không hề hay biết. Ở quê, biết chuyện, mẹ cậu tức tốc đón xe từ Quảng Trị vào Đà Nẵng “thăm” đứa con trai. Gặp chúng tôi, mẹ M.T kể chuyện về cậu mà không cầm nổi những giọt nước mắt: “Khi còn ở nhà M.T ngoan lắm, học giỏi nên thi đậu vào lớp chuyên Lý của trường phổ thông năng khiếu tỉnh. Suốt những năm học cấp 3 M.T luôn là học sinh giỏi có tiếng, được bà con chòm xóm biết đến và khen ngợi. Nhưng không biết vì lý do gì, khi vào đại học M.T lại trở nên hư hỏng như vậy!”. Học kỳ sau, M.T buộc phải thôi học vì không có kết quả thi cuối kỳ và kết quả học tập những học kỳ trước quá thấp. Đó là cái giá mà cậu phải trả cho những phút giây bồng bột của tuổi trẻ.

HÀ THẾ AN
 

;
.
.
.
.
.