.

Đầu tư đúng mức cho khoa học - công nghệ

Tại buổi làm việc của Thường trực Thành ủy Đà Nẵng với Đoàn Công tác liên ngành của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ KH&CN hôm 23-4, một vấn đề được đặt ra, đó là hiện nay các doanh nghiệp chưa quan tâm, đầu tư đúng mức cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh thông qua phát triển KH&CN.

Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở KH&CN thành phố Đà Nẵng cho rằng, doanh nghiệp không mặn mà với việc phát triển KH&CN là do quy mô hoạt động của các doanh nghiệp ở thành phố nói riêng và miền Trung nói chung tương đối nhỏ lẻ nên chưa chú trọng đầu tư cho nghiên cứu KH&CN để ứng dụng vào sản xuất.

Một nghịch lý nữa là thành phố ngày càng phát triển nhưng số lượng đề tài nghiên cứu KH&CN quy mô lớn ngày càng giảm. Phần lớn các đề tài có quy mô nhỏ, phạm vi nghiên cứu hẹp, chỉ mang tính giải quyết những vấn đề đơn lẻ, chuyên biệt, phục vụ chủ yếu cho một ngành, một cơ sở, đơn vị. Việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống vẫn còn khó khăn do chưa có cơ chế hỗ trợ về tài chính nên không có điều kiện để triển khai thử nghiệm, sản xuất thử - bước rất quan trọng trước khi áp dụng kết quả nghiên cứu. Thực tế cho thấy, khả năng ứng dụng của nhiều đề tài hiện không cao, chưa đáp ứng được sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Vì vậy, số lượng đề tài nghiên cứu khoa học đã có sự giảm sút trong thời gian gần đây. Đặc biệt, chúng ta vẫn còn dùng cơ chế quản lý trong đầu tư
xây dựng áp dụng cho lĩnh vực KH&CN, trong khi một đề tài nghiên cứu khoa học thành công mang lại giá trị hàng tỷ đồng, thậm chí lớn hơn. Thế nhưng, tiền hỗ trợ cho những người làm khoa học chỉ mang tính khuyến khích, chưa tương xứng với sản phẩm. Đó là chưa nói đến tính rủi ro cao, bởi nếu đề tài nghiên cứu không thành công, người làm khoa học sẽ chịu mức đền bù quá lớn.

Điển hình là việc nghiên cứu xử lý nước thải, người làm khoa học ở Đà Nẵng đã nghiên cứu gần đi đến thành công nhưng phải chấp nhận sử dụng công nghệ của nước ngoài vì nếu tiếp tục nghiên cứu mà không khả thi thì phải bồi thường hàng tỷ đồng. Theo ông Phạm Kiều Đa, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật thành phố Đà Nẵng, bản chất của nghiên cứu mang tính rủi ro cao nên cần có quỹ đầu tư phát triển cho nghiên cứu và chấp nhận rủi ro khi cần thiết. Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN cũng thừa nhận rằng, việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương hiện vẫn chưa thật sự dựa trên khoa học và bằng khoa học, mà chủ yếu là dựa trên các lợi thế khác. Tuy nhiên, những lợi thế mà các địa phương khai thác, chẳng hạn như quỹ đất, cũng đã dần đến ngưỡng.

Vì vậy, để thành phố Đà Nẵng là trung tâm phát triển KH&CN ở miền Trung-Tây Nguyên, để KH&CN thật sự trở thành động lực trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, bên cạnh việc huy động các nguồn lực xã hội, cần có cơ chế, chính sách mang tính đột phá trong đầu tư, phát triển nghiên cứu KH&CN. Như vậy mới đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.