Các nhà khoa học và nhà quản lý cho rằng, chưa có cơ sở, bằng chứng để khẳng định xăng chứa phụ gia, chất lượng kém gây cháy xe. Những kiểm nghiệm khoa học thực tế đã cho thấy, các mẫu xăng lấy từ xe cháy, cây xăng bán cho xe bị cháy đều đạt tiêu chuẩn.
Một xe máy đang đi thì bị bốc cháy giữa cầu Mân Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) hôm 7-3-2012. Ảnh: Đắc Mạnh/ĐNĐT |
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Loại bỏ xăng lẫn tạp chất vì sự an toàn của động cơ do Báo Khoa học và Đời sống, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 25-4.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Sản phẩm - Hàng hóa, Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Tuấn, tổng hợp các kiểm nghiệm mẫu xăng lấy từ các nguồn khác nhau trong thời gian qua có thể khẳng định xăng không phải là nguyên nhân gây cháy xe.
Các Chi cục Quản lý Chất lượng trên cả nước đã lấy nhiều mẫu để kiểm nghiệm xăng dầu. Đặc biệt, hầu hết các mẫu xăng, dầu được lấy từ các xe bị cháy, cây xăng xe bị cháy đã mua hoặc khu vực xe cháy thường xuyên mua xăng.
Tổng cộng có 56 mẫu xăng, dầu diezen có liên quan đến các vụ cháy xe trên cả nước được mang đi xét nghiệm. Các mẫu xăng, dầu khi đưa đi kiểm nghiệm đều được phân tích từ 2 - 6 chỉ tiêu. Các yếu tố có nguy cơ cao gây cháy xe trong xăng được dư luận đặt ra như metanol, ethanol đều không được xác định.
Một trong những điểm khiến các nhà quản lý cũng như người dân lưu tâm trong các mẫu kiểm nghiệm chính là xăng chứa hàm lượng nước. Số liệu từ Cục Chất lượng Sản phẩm - Hàng hóa cho thấy, 100% mẫu được kiểm nghiệm đều chứa nước. Các hàm lượng dao động từ 70 - 318ppm.
Giải thích việc trong xăng có nước, TS Đinh Ngọc Ân – Trưởng khoa Cơ khí Động lực, Trưởng bộ môn Công nghệ ôtô, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, cho rằng, trong xăng có nước là khó tránh khỏi. Đây cũng là hiện tượng tự nhiên. Ví dụ, xăng khi chứa trong bồn sẽ bốc hơi, hòa lẫn vào không khí, ngưng tụ lại sẽ có chứa hàm lượng nước nhỏ. Với hàm lượng nước dạng ion, tức mức rất nhỏ mà các cơ quan chức năng ghi nhận được, gần như không ảnh hưởng gì đến chế độ làm việc của động cơ.
TS Đinh Ngọc Ân cho biết, tuổi thọ của động cơ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: vật liệu và công nghệ chế tạo, trạng thái và môi trường sử dụng, chất lượng nhiên liệu và chất bôi trơn, chu kỳ bảo dưỡng sửa chữa và chất lượng bảo dưỡng, ý thức, kiến thức của người sử dụng.
TS Đinh Ngọc Ân cũng phân tích một số nguyên nhân có thể gây cháy nổ xe như: tác phong làm bừa, làm ẩu, làm gian dối của thợ bảo dưỡng sửa chữa xe như thay hoặc tráo đổi ống xăng rởm, không kẹp chặt ống xăng sau khi tháo ra; do người sử dụng xe thiếu kiến thức như kiểm tra trước khi nổ máy, không kịp thời phát hiện được những dấu hiệu bất thường như mùi xăng, mùi khét của dây điện cháy…
Nguồn lửa có thể do một số nguyên nhân: xe được đấu nối thêm thiết bị một cách thiếu hiểu biết, làm ẩu dẫn đến cháy chập dây điện, do hiện tượng đánh lửa ở tiếp điểm của các rơle như: rơle đề, rơle xinhan; do các vật dễ cháy ở cổ xả của động cơ, có thể là rác do chuột tha vào (nhất là đối với xe ga, do kín mà người sử dụng không phát hiện ra) nên khi xe chạy ở cổ xả nóng đỏ và bén lửa vật dễ cháy.
Hiện, nguyên nhân gây cháy nổ xe vẫn đang được cơ quan chức năng tích cực điều tra làm rõ. Hai nhóm nghiên cứu độc lập thuộc Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh và Đại học Bách khoa Hà Nội đang phân tích các kết quả và sẽ công bố trong thời gian sớm nhất.
Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Sản phẩm - Hàng hóa Trần Quốc Tuấn cũng cho biết, ngày mai 26-4 Bộ Công An sẽ chủ trì Hội nghị công bố các kết quả phân tích và thảo luận các vấn đề liên quan đến cháy nổ xe.
CHINHPHU.VN