Khoa học - Công nghệ

Mặt Trời xuất hiện lỗ thủng lớn gấp 50 lần Trái đất

15:54, 19/10/2015 (GMT+7)

Bề mặt Mặt Trời xuất hiện những vùng tối giống như vực thẳm khổng lồ.

Các nhà thiên văn học NASA vừa mới phát hiện một hiện tượng kỳ lạ xuất hiện trên bề mặt của Mặt Trời. Đó là hình ảnh giống như những vực thẳm khổng lồ và chỉ có một màu đen. Theo quan sát, lỗ thủng này có kích thước lớn gấp 50 lần Trái đất.

Hiện tượng này được phát hiện bởi Đài quan sát Solar Dynamics Observatory của NASA vào ngày 15 tháng 10. Và các nhà khoa học gọi nó là lỗ Coronal (lỗ Nhật hoa), xuất hiện khi từ trường của Mặt Trời thoát ra ngoài khí quyển cùng với những cơn gió ở tốc độ cao.

Chính điều đó khiến cho một vùng khí quyển của Mặt Trời mở ra, để cho những dòng chảy phân tử thoát ra với tốc độ lên đến 800km/s. Chúng ta không thể nhìn thấy được màu sắc của khu vực này vì các bước sóng ánh sáng tại đây thường ở vùng tia cực tím.

Và mặc dù hình ảnh mà NASA phát hiện có thể khiến nhiều người cảm thấy đáng sợ. Tuy nhiên hiện tượng lỗ Coronal là một hiện tượng thường xuyên xảy ra trên Mặt Trời. Lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện là vào năm 1973-1974.

Chúng thường xuất hiện ở hai cực của Mặt Trời và tần suất xuất hiện phụ thuộc vào chu kỳ hoạt động của Mặt Trời. Thông thường nó sẽ xuất hiện nhiều hơn khi Mặt Trời hoạt động yếu trong chu kỳ 11 năm.

NASA cho biết: “Các lỗ Coronal này phát ra những từ trường và là nguồn gốc của những cơn bão Mặt Trời. Tuy nhiên sức ảnh hưởng của nó không quá đáng kể đối với Trái đất, ngoại trừ việc có thể gây nhiễu tín hiệu vệ tinh và sóng vô tuyến”.

Một hiện tượng thú vị khác cũng sẽ diễn ra sau những cơn bão từ này, khi nó tác động đến Trái đất. Đó là hiện tượng “Cực quang” sẽ xuất hiện nhiều hơn tại Nam Cực và Bắc Cực, chúng ta sẽ có thể dễ dàng quan sát chúng bằng mắt thường với những đám mây màu sắc tuyệt đẹp.

Theo Trí thức trẻ

 

.