Khoa học - Công nghệ

"Cuộc chiến" với điện thoại thông minh

08:07, 25/02/2016 (GMT+7)

1. Bất kể khi nào đến nhà chơi, tôi đều thấy đứa cháu gái 3 tuổi chú tâm vào chiếc điện thoại của bố. Nào là bé Xuân Mai hát, nào là clip lột trứng gà, nặn đất sét, chơi đồ hàng,… Biết cháu thích chơi nấu ăn, tôi bèn dụ nó bỏ điện thoại xuống. Bé ngước lên nhìn tôi với khuôn mặt ngờ nghệch và nói “Không!” dứt khoát, kèm theo hành động giữ chặt điện thoại.

Thấy vậy, anh rể tôi - bố cháu, chỉ nói: “Quen rồi, lấy điện thoại lại thì nó không chịu đâu”. Chỉ vào chiếc điện thoại của mình, anh tiếc rẻ: “Cái Iphone cả chục triệu bạc mà nó làm bể màn hình tới 3 lần. Một khi nó đã bám cái điện thoại, lấy ra là khóc như nhà cháy”.

2. Ở các hàng quán, người ta thay vì trò chuyện, tỉ tê tâm sự những buồn - vui trong cuộc sống thì ai nấy cũng chúi đầu vào điện thoại. Có lần, tôi ngạc nhiên khi thấy đôi tình nhân kể từ lúc bước vào quán cà-phê cho đến khi tính tiền chỉ chăm chú vào điện thoại mà không nói với nhau câu nào. Ngoại trừ, có khoảng chừng 20 giây cô gái khều tay chàng trai chụp tấm hình selfie đăng Facebook.

3. Trong muôn vàn câu chuyện tiêu cực xoay quanh chiếc smartphone, thì việc vợ chồng chị đồng nghiệp mà tôi quen có một quy tắc được duy trì từ lúc yêu nhau đến giờ là: Không sử dụng điện thoại, máy tính khi ngồi bên nhau, trừ những việc cấp bách, có thể xem như chuyện lạ.

Ban ngày tất bật với việc công việc, tối về, hai vợ chồng dành trọn vẹn thời gian cho con cái bằng những trò chơi gia đình vốn dĩ rất quen thuộc nhưng đang dần xa lạ trong các gia đình Việt, như: rồng rắn lên mây, trốn tìm, đố vui… Thế giới Facebook lại càng xa lạ với hai vợ chồng với lý do không cần thiết. Hai đứa con được bố mẹ căn dặn phải ghi nhớ số điện thoại của bố, mẹ, ông, bà cho những trường hợp cần thiết, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ được đụng tới điện thoại.

4. Mới đây, chính phủ Hàn Quốc vừa phát động một chiến dịch quy mô lớn nhằm chống lại tình trạng nghiện sử dụng smartphone đang ngày càng trở nên trầm trọng trong giới trẻ. Theo khảo sát, tỷ lệ trẻ em từ 6-19 tuổi sử dụng smartphone ở nước này tăng gấp 3 lần, đạt 65% kể từ năm ngoái đến nay. Và cứ 5 học sinh ở Hàn Quốc thì có một em bị mắc chứng nghiện smartphone.

Được biết, Hàn Quốc từng chứng kiến nhiều bi kịch của nạn nghiện internet. Năm 2010, cảnh sát nước này đã bắt giữ một cặp vợ chồng để đứa con 3 tháng tuổi chết đói vì mải chơi trò chơi trực tuyến. Năm ngoái, một cô gái bị bắt vì đẻ con trong nhà vệ sinh một quán cà-phê internet, nơi cô chơi ở đó nhiều ngày.

Chẳng biết bao giờ và chẳng biết đến khi nào các nhà chức trách Việt Nam hiểu rằng cần có một chiến dịch quy mô chống lại nạn nghiện Internet nói chung và các thiết bị số nói riêng ở người Việt. Người Việt đang đứng trước nhiều tệ nạn, từ nghiện ma túy đến nghiện thuốc lá, rượu bia. Cai cái nào người ta cũng bảo khó lắm, nếu dễ thì đã làm được từ lâu rồi. Nhưng đó chỉ là lý sự cùn của những người lớn không bản lĩnh với những cám dỗ do mình tự chuốc lấy.

CHIÊU ANH

.