Khoa học - Công nghệ
Quỹ Lotus tài trợ 5 dự án sản phẩm công nghệ thông minh
Sau quá trình ươm tạo giai đoạn 1 với 15 ý tưởng được chọn ra từ 200 trường trong khu vực, có 5 ý tưởng đã được Quỹ Lotus lựa chọn tài trợ để phát triển dự án.
Sản phẩm gương thông minh kiêm chức năng theo dõi sức khỏe được đánh giá cao tại PISI-CIT |
“Ươm mầm ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp Công nghệ thông tin” (PISI-CIT) là chương trình hỗ trợ và tài trợ để triển khai các ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp về lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) dành cho học sinh, sinh viên khu vực Miền Trung - Tây Nguyên do trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin (Đại học Đà Nẵng) phát động. Sau quá trình ươm tạo giai đoạn 1 với 15 ý tưởng được chọn ra từ 200 trường trong khu vực, có 5 ý tưởng đã được Quỹ Lotus lựa chọn tài trợ để phát triển dự án.
Từ những ngày đầu phát động, Chương trình đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của học sinh, sinh viên từ 200 trường Cao đẳng, Đại học và THPT toàn khu vực. Qua nhiều vòng tuyển chọn, 15 ý tưởng xuất sắc nhất chính thức nhận tài trợ và hỗ trợ từ Chương trình. Tại đây, các nhóm khởi nghiệp và sáng tạo được hỗ trợ về nhiều mặt như tài chính (lên đến 50 triệu đồng/ý tưởng), đào tạo chuyên môn, đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng, hỗ trợ thủ tục pháp lý về kinh doanh, tư vấn các giải pháp hoàn thiện và triển khai ý tưởng. Đến nay, các em đã tự tin hơn, có nhiều kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm trong chặng đường khởi nghiệp sau này.
Trong đó Quỹ Lotus đã lựa chọn tài trợ phát triển dự án cho 5 sản phẩm bao gồm: Gương thông minh; Đồng hồ theo dõi sức khỏe; Hệ thống quản lý và giám sát điện năng tiêu thụ; Dự án Phần mềm hỗ trợ nông dân và Cánh tay robot cho người không tay.
ICTnews xin giới thiệu 2 trong số 5 sản phẩm gây chú ý tại PISI - CIT được Quỹ Lotus tài trợ là “Gương thông minh kiêm chức năng theo dõi sức khỏe” và “Đồng hồ theo dõi sức khỏe” của sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng.
“Gương thông minh kiêm chức năng theo dõi sức khỏe” do các sinh viên của Khoa Điện tử - Viễn thông (Đại học Bách Khoa Đà Nẵng) tạo ra nhằm theo dõi và giám sát sức khỏe của con người qua những thay đổi nhỏ nhất như thay đổi chiều cao, cân nặng, nhịp tim… Từ đó kịp thời phát hiện các vấn đề sức khỏe để có thể phòng ngừa bệnh tật.
Bằng cách lồng ghép các mạch điện tử phía sau cùng với phụ kiện bên ngoài sẽ giúp cho chiếc gương soi hằng ngày trở nên đa năng hơn. Điểm đặc biệt của sản phẩm là người dùng có thể thao tác điều khiển trực tiếp trên bề mặt gương soi, thông qua các biểu tượng cảm ứng được chạm khắc tinh tế hoặc ra lệnh bằng giọng nói, giúp cho việc tương tác với sản phẩm trở nên thân thiện hơn.
Sản phẩm “Gương thông minh kiêm chức năng theo dõi sức khỏe ” gây chú ý với các tổ chức trong và ngoài nước. Trong đó, Quỹ Lotus đã tài trợ toàn bộ chi phí để các bạn sinh viên đưa sản phẩm ra thực tế.
Sản phẩm đồng hồ theo dõi sức khỏe |
Với ý tưởng tìm kiếm một thiết bị y tế vừa theo dõi tình hình sức khỏe vừa tiết kiệm được thời gian và cả chi phí, nhóm các bạn sinh viên Phạm Kim Luân, Phạm Công Anh Huy và Lê Hùng của trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng đã tạo ra sản phẩm “Vòng đeo tay theo dõi sức khỏe”.
Vòng đeo tay có thể giúp bệnh nhân và bác sĩ xử lý những tình huống khẩn cấp thông qua dự đoán những yếu tố như: nhịp tim, nhiệt độ, huyết áp…. Bệnh nhân sử dụng thiết bị đeo tay sẽ được bác sĩ theo dõi sức khỏe thông qua dữ liệu thiết bị thu thập và truyền dẫn qua Wi-Fi được cập nhật từng giây lên trang web của bệnh viện.
Bên trong sản phẩm có một cảm biến gia tốc theo dõi sự thay đổi đột ngột khi di chuyển của bệnh nhân. Khi bệnh nhân té (ngã), dữ liệu được thu thập từ cảm biến sẽ được truyền qua Wi-Fi và MCU sẽ xác định vị trí của bệnh nhân thông qua địa chỉ MAC của thiết bị. Đồng thời, tín hiệu khẩn cấp từ bệnh nhân được nhận diện thông qua việc lắc tay nhiều lần.
Vòng đeo tay bao gồm: cảm biến theo dõi nhiệt độ để theo dõi nhiệt độ của bệnh nhân; Cảm biến nhịp tim: theo dõi nhịp tim của bệnh nhân; Cảm biến áp suất: đo huyết áp bệnh nhân; Cảm biến gia tốc phát hiện chuyển động hay va chạm té ngã, tín hiệu kêu cứu; Truyền thông qua mạng Wi-Fi; Quản lý thông qua giao diện Web: dễ dàng giám sát và theo dõi từng người bệnh; Và vi điều khiển trong điểu khiển thu thập thông tin từ các cảm biển và truyền về trung tâm.
Sản phẩm phù hợp cho các đối tượng là bệnh nhân tại bệnh viện hoặc tại nhà và được giám sát liên tục của bác sĩ hoặc người thân từ xa. Các bạn sinh viên trong nhóm nghiên cứu cho biết: Sau khi hoàn thiện các chức năng cũng như hoàn thiện tính thẩm mỹ, sản phẩm sẽ sớm được đưa ra thị trường thử nghiệm với giá cả hợp lý.
Theo Hải Yến (ICTNews)