Khoa học - Công nghệ

Nghiên cứu phải có giá trị thực tiễn

08:20, 19/10/2016 (GMT+7)

Lê Thị Phương Uyên và Nguyễn Trịnh Minh Khoa - sinh viên Trường Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) vừa đoạt những giải thưởng cao nhất tại Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học dành cho các trường đại học (ĐH) khối ngành kinh tế và quản trị kinh doanh toàn quốc.

Nguyễn Trịnh Minh Khoa và Lê Thị Phương Uyên giành giải nhì và giải nhất tại Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc khối ngành kinh tế và quản trị kinh doanh. (Ảnh do nhân vật cung cấp).
Nguyễn Trịnh Minh Khoa và Lê Thị Phương Uyên giành giải nhì và giải nhất tại Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc khối ngành kinh tế và quản trị kinh doanh. (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Với đề tài thị trường sáp nhập và thâu tóm của các ngân hàng (NH) Việt Nam, Lê Thị Phương Uyên (sinh 1995) đã vượt lên 8 nhóm nghiên cứu khác trong lĩnh vực ngân hàng – kế toán để giành ngôi vị quán quân. Cô sinh viên (SV) ngành NH cho biết, cuối năm 2015, NH Nhà nước Việt Nam kết thúc giai đoạn 1 tái cấu trúc hệ thống NH (2011 - 2015). Đây cũng là thời điểm nhiều SV trong ngành bắt đầu quan tâm đến quá trình tái cấu trúc với những hoạt động mua bán, sáp nhập, hợp nhất vốn lâu nay chỉ được biết đến qua sách vở. Cùng lúc đó, Trường ĐH Kinh tế phát động phong trào SV nghiên cứu khoa học, Uyên quyết định chọn ngay “đề tài nóng” này để đào sâu tìm hiểu.

Trong khi đó, Nguyễn Trịnh Minh Khoa (sinh 1995) – SV ngành Tài chính lại đặt mối quan tâm đến một “đề tài nóng” khác trong ngành, đó là thu hút đầu tư bằng cách tăng tính thanh khoản của chứng khoán. Khoa giải thích, khi nói đến tính cạnh tranh của các sở giao dịch chứng khoán thì tính thanh khoản được xem là ưu tiên hàng đầu. Thanh khoản tốt mới thu hút được nhà đầu tư, giúp doanh nghiệp huy động vốn; đồng thời, nhà đầu tư cũng có thể xem chứng khoán như một cách tích lũy tài sản dài hạn.

“Đề tài nóng” thường rất thú vị, Khoa và Uyên cho biết, nhưng cái khó là gần như không tìm ra số liệu công khai nào để phân tích. Thêm vào đó, chưa có nhiều nghiên cứu trong nước khai thác các đề tài này nên SV phải tự “mở đường, dẫn lối” cho chính mình. “Đó cũng chính là điều thú vị”, Uyên chia sẻ. Với vốn tiếng Anh tốt, Khoa và Uyên mày mò tìm đọc các nghiên cứu của những học giả nước ngoài. Ngoài những báo cáo tài chính, báo cáo thường niên công khai của các ngân hàng và sở giao dịch chứng khoán, hai SV còn được các giảng viên trong khoa hỗ trợ tiếp cận với kho dữ liệu quốc tế. Uyên chia sẻ, sau khi phân tích dữ liệu, cô nhận ra điều “kỳ lạ”: Các NH sau khi bị thâu tóm hoặc là tăng hiệu suất quản lý nhưng lại không mấy cải thiện về khả năng thanh khoản (nếu doanh nghiệp thâu tóm là nội địa), hoặc là sụt giảm lợi nhuận (nếu doanh nghiệp thâu tóm là nước ngoài). Kết hợp với nhiều nghiên cứu đi trước, Uyên chứng minh được rằng việc tích hợp giữa doanh nghiệp mua và bị mua trong giao dịch xuyên quốc gia khó khăn hơn so với giữa các doanh nghiệp trong nước, chủ yếu do sự khác biệt trong văn hóa doanh nghiệp.

Vượt qua nhiều đối thủ mạnh đến từ các trường ĐH thuộc nhóm đầu cả nước để giành ngôi quán quân và á quân, theo Khoa và Uyên, điều quan trọng nhất là phải tạo ra được kết quả nghiên cứu có ý nghĩa thực tiễn. Để có thể xử lý số liệu, Khoa và Uyên đã mày mò học phương pháp nghiên cứu và cách sử dụng phần mềm STATA (một bộ chương trình được sử dụng trong kinh tế lượng và thống kê - PV). Nắm rõ đến gần như thuộc lòng mọi công thức, thuật toán của những ngày ngồi miệt mài trước chiếc máy tính, hai SV được đánh giá xuất sắc trong phần thi phản biện. Trong vòng thi chung kết, nghiên cứu của Khoa và Uyên được cho là có thể tạo tiền đề cho nhiều nghiên cứu về sau với quy mô lớn hơn, tác động rộng hơn.

PGS.TS Đào Hữu Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) cho biết, phong trào SV nghiên cứu khoa học được nhà trường và Đại học Đà Nẵng xem là hoạt động then chốt để khơi dậy tiềm năng của SV. Một trong những định hướng chính của việc đổi mới phương pháp dạy học bậc ĐH là tạo điều kiện cho SV chủ động học tập trên cơ sở tự phát huy năng lực tiếp thu kiến thức, rèn luyện kỹ năng dưới sự hỗ trợ của giảng viên hướng dẫn.

Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc các trường đại học khối ngành kinh tế và quản trị kinh doanh lần thứ 4 được tổ chức vào ngày 24 và 25-9 tại Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng). 31 trường ĐH cả nước tham dự với 112 đề tài, thuộc 6 nhóm chủ đề: Tài chính – Thống kê, Ngân hàng – Kế toán, Quản trị kinh doanh, Marketing – Quản trị nguồn nhân lực, Ngoại thương – Thương mại – Du lịch, Kinh tế - Luật – Quản lý Nhà nước. Có 51 đề tài lọt vào vòng chung kết được báo cáo trực tiếp tại hội nghị. Mỗi nhóm chủ đề có 1 giải nhất, 1 giải nhì và 1 giải ba.

KHANG NINH

.