CNTT
Đà Nẵng: Tiết kiệm điện nhờ ứng dụng CNTT
Ông Phạm Tài, Giám đốc Công ty quản lý và vận hành điện chiếu sáng công cộng TP Đà Nẵng đã nghiên cứu ứng dụng CNTT vào việc thử nghiệm điều khiển hệ thống điện chiếu sáng công cộng của toàn thành phố dựa trên phương thức truyền thông không dây sử dụng dịch vụ GSM/GPRS.
Việc đưa dư án thí điểm đi vào hoạt động sẽ giúp phát hiện và xử lý kịp thời sự cố lưới điện chiếu sáng, tiết kiệm năng lượng trong công tác quản lý điện chiếu sáng công cộng tại Đà Nẵng. |
Theo ông Phạm Tài, hiện nay, hệ thống điện chiếu sáng công cộng của TP Đà Nẵng đã lan toả đến tất cả các ngõ ngách của thành phố, tuy nhiên việc quản lý vận hành hệ thống vẫn còn thủ công, không đáp ứng được yêu cầu phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp xảy ra sự cố, dẫn đến mất an toàn vận hành, an toàn lao động mà lại không tiết kiệm được điện năng tiêu thụ.
Trong công tác quản lý vận hành và điều chỉnh phân pha cắt giảm, tiết kiệm điện hiện nay, người công nhân phải đến ngay tại tủ điện chiếu sáng để điều chỉnh đồng hồ thời gian và thực hiện các biện pháp phân pha cắt giảm đèn trên tuyến đường.
Nếu làm thủ công như vậy, khi xảy ra tình trạng khẩn cấp, muốn đóng/cắt lưới điện chiếu sáng nhanh, công nhân phải tham gia giao thông với tốc độ cao, tâm lý luôn vội vàng, áp lực thì dễ gây ra tại nạn giao thông. Việc theo dõi hệ thống điện chiếu sáng thường xuyên bằng xe máy cũng gây tốn kém nhiên liệu, chi phí, mất thời gian, nguy hiểm mà lại không hiệu quả.
Vì vậy, ông Tài đã cùng các cộng sự nghiên cứu ứng dụng CNTT vào việc nâng cao trình độ quản lý vận hành hệ thống điện chiếu sáng công cộng bằng việc thử nghiệm điều khiển hệ thống điện chiếu sáng công cộng của toàn thành phố dựa trên phương thức truyền thông không dây sử dụng dịch vụ GSM/GPRS.
“Với phương thức truyền thông không dây sử dụng dịch vụ GSM/GPRS đang thí điểm, chúng tôi không cần phải đến tận nơi, vẫn có thể giám sát và thực hiện đóng/cắt như đi tới từng tủ chiếu sáng của mỗi khu vực”, ông Tài chia sẻ.
Ông Tài phân tích: “Qua mạng GSM/GPRS, việc truyền, nhận dữ liệu từ trung tâm đến các tủ điều khiển chiếu sáng và ngược lại chỉ mất vài phút, vì vậy có thể nhận dữ liệu giám sát toàn bộ các tủ chiếu sáng trong thời gian ngắn, cũng như có thể gửi các lệnh: đóng/cắt, giảm lưới đèn, đồng bộ thời gian… cho toàn bộ các tủ điều khiển trong cùng một thời điểm, thay vì phải cử người đến từng nơi như trước đây.
Bên cạnh đó, với tính năng giám sát tự động, dữ liệu vận hành được lưu trữ tại cơ sở dữ liệu tại trung tâm, với đầy đủ các thông số như: trạng thái, thời gian đóng cắt, dòng điện, điện áp, công suất, điện năng tiêu thụ...
Khi theo dõi các dữ liệu này, cán bộ kỹ thuật, vận hành có thể quản lý, tổng hợp tối ưu số liệu (tình trạng đóng cắt, mức độ tiêu thụ điện năng, thời gian sử dụng của các đèn), qua đó biết được kết quả hoạt động của lưới điện chiếu sáng để đưa ra quyết định điều chỉnh linh hoạt thời gian đóng/cắt hệ thống chiếu sáng, phù hợp với tình hình thời tiết và yêu cầu vận hành tại các khu vực ngay từ hệ thống máy tính ở trung tâm.
“Và khi cần, có thể trích xuất ngay số liệu phục vụ các báo cáo chuyên môn, góp phần giúp cho việc lưu trữ, quản lý dữ liệu, công tác báo cáo được tiến hành khoa học, nhanh chóng và chính xác. Việc đưa dư án thí điểm đi vào hoạt động sẽ giúp phát hiện và xử lý kịp thời sự cố lưới điện chiếu sáng, tiết kiệm năng lượng trong công tác quản lý điện chiếu sáng công cộng và tiết kiệm chi phí nhân công quản lý. Đây là giải pháp tối ưu hiện nay ở một số nước tiên tiến trên thế giới đang áp dụng nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị trong đó có điện chiếu sáng ngày càng hiệu quả và tiết kiệm,” ông Tài cho biết thêm.
Theo Ictnews