CNTT

Hai nhà khoa học đoạt giải Nobel tới Việt Nam

17:55, 08/05/2018 (GMT+7)

Giáo sư giải Nobel Vật lý 1999 và Nobel Kinh tế 2004 vừa đến Bình Định để dự hội thảo Khoa học vì sự phát triển.

GS Finn E. Kydland thuyết trình tại Việt Nam năm 2016. Ảnh: NEU.
GS Finn E. Kydland thuyết trình tại Việt Nam năm 2016. Ảnh: NEU.

Hội thảo Khoa học vì sự phát triển diễn ra trong hai ngày 9 và 10-5 tại Quy Nhơn, Bình Định. Đây là dịp để các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách cùng thảo luận làm rõ vai trò của khoa học cơ bản hay khoa học ứng dụng với sự phát triển bền vững của xã hội. Các đại biểu cũng bàn thảo về tác động của khoa học tới kinh tế và xã hội; sự đóng góp của khoa học với việc hoạch định chính sách và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 14, thu hút hàng trăm nhà khoa học danh tiếng trong nước và quốc tế. Trong số này có Giáo sư Finn E. Kydland, người Na Uy, giải Nobel Kinh tế năm 2004 và Giáo sư Gerard ‘t Hooft đoạt giải Nobel Vật lý năm 1999. Hai giáo sư sẽ có bài phát biểu quan trọng trong phiên toàn thể.

GS Finn E. Kydland giảng dạy tại Đại học California, Santa Barbara (USA) từ năm 2004 đến nay, là chủ tịch của Quỹ Jeff Henley. Năm 2016, ông đã đến Việt Nam thuyết trình các vấn đề liên quan tới chính sách kinh tế và tăng trưởng bền vững. Ông cũng đưa ra nhiều gợi ý về quản lý chính sách vĩ mô của Việt Nam như: lạm phát, nợ công, tự do thương mại, hội nhập kinh tế thế giới.

Còn Giáo sư Gerard ‘t Hooft là nhà vật lý lý thuyết. Công trình của ông tập trung vào lý thuyết đo, các lỗ đen, trọng lực lượng tử và khía cạnh cơ bản của cơ học lượng tử.

Giáo sư Gerard ‘t Hooft thuyết trình tại ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2017. Ảnh: VNU.
Giáo sư Gerard ‘t Hooft thuyết trình tại ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2017. Ảnh: VNU.

Năm 2017, GS Gerard từng truyền cảm hứng cho sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội với bài thuyết trình về lỗ đen và những nghiên cứu mới liên quan lĩnh vực này.

Hội thảo do Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Bình Định phối hợp cùng một số tổ chức thực hiện.

7 thảo luận bàn tròn tại hội nghị:

1.Tác động xã hội và kinh tế của khoa học đối với xã hội

2. Khoa học giúp đƣa ra các cảnh báo và các giải pháp

3. Khoa học và Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững Liên Hợp quốc

4. Các mô hình khoa học và sự phát triển.

5. Khoa học và việc hoạch định chính sách

6. Khoa học và Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

7. Khoa học là yếu tố thúc đẩy đối thoại

Theo Dân trí

.