.

Bạo lực sân cỏ, do đâu?

.

Sau khi trận đấu trên sân Sông Lam Nghệ An kết thúc, một cầu thủ SHB Đà Nẵng vẫn chưa hoàn hồn: “Đá bóng kiểu này thì bọn em chấp nhận thua. Vào bóng không khéo là phải bỏ nghề, vì các cầu thủ chủ nhà đá “ác” quá!”. 

Pha vào bóng ác ý của Tài Em (áo trắng, nằm dưới đất) suýt đẩy trận đấu SHB
Đà Nẵng - Đồng Tâm Long An vào đổ vỡ. 

Liên hệ về vấn đề này của bóng đá Việt Nam, liệu những người có trách nhiệm có hiểu để chia sẻ cho những nạn nhân của lối đá “chém đinh, chặt sắt” như SHB Đà Nẵng từng gánh chịu? Cũng ở lượt đấu thứ 7 này, trận đấu Xi-măng Hải Phòng - Hà Nội T&T cũng đầy bạo lực, buộc trọng tài Nguyễn Trọng Thư phải sử dụng đến 2 thẻ đỏ và 7 thẻ vàng để “làm nguội” những “cái đầu nóng”.

Thực ra, bạo lực sân cỏ hoàn toàn chẳng mới mẻ với V-League, nhưng khi tình trạng này cứ tăng theo cấp số nhân, rõ ràng, cần phải tìm ra nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Theo thống kê của Ban tổ chức, sau vòng đấu thứ 9 (ngày 18-4), các trọng tài đã sử dụng 252 thẻ vàng và 18 thẻ đỏ. Đây là một con số không nhỏ cho một giải đấu chỉ mới qua những vòng khởi động và phía trước, vẫn còn những vòng đấu căng thẳng khi các đội bóng bước vào giai đoạn quyết định.

Bạo lực sân cỏ có nhiều nguyên nhân, từ cách điều hành của trọng tài, nhận thức của khán giả cho đến những hạn chế trong công tác giáo dục cầu thủ từ mỗi CLB… Nhưng trên tất cả, chính những nhà tổ chức và VFF phải có trách nhiệm chủ yếu trước vấn nạn này.

Khi sân Lạch Tray thoát án sau sự cố ngày 4-4, rất nhiều người thực sự chưng hửng và thất vọng khi ông Trưởng Ban Kỷ luật Nguyễn Hải Hường một mực biện minh: “...Không thể lấy sự cố từ năm ngoái đến năm nay để coi là hành vi tái phạm được”! Về chuyện này, chuyên gia Nguyễn Văn Vinh không giấu bức xúc: “Đây không phải lần đầu tiên sân Hải Phòng xảy ra tình trạng cổ động viên ném vật lạ xuống đường piste, lăng mạ đội khách và trọng tài. Lẽ ra với lần tái phạm này thì phải xử lý nghiêm khắc, chứ phạt tiền như thế chẳng ăn thua, không có tác dụng răn đe (sân Hải Phòng chỉ bị phạt 60 triệu đồng – P.V). Tôi không đồng ý cách lập luận của Ban Kỷ luật rằng, sai phạm của mùa bóng nào thì tính mùa bóng ấy. VFF từng xử vụ HLV đội U-19 Đồng Tháp không được tham gia các hoạt động bóng đá đến 18 tháng, có nghĩa án phạt đó kéo dài đến năm sau. Vậy tại sao - theo thống kê của báo chí - trước đây, sân Hải Phòng bị phạt 11 lần, thế mà lần tái phạm này vẫn chỉ áp dụng khung hình phạt coi như chưa có gì xảy ra?” (!).

Hay như Đồng Tâm Long An, vốn được xem là một đội bóng khá hiền nhưng trong những lượt đấu gần đây, đội bóng này cũng không ngần ngại sử dụng những pha “đốn giò” đối thủ, hơn là tập trung đá bóng. Cú vào bóng ác ý của Tài Em đã khiến Nguyễn Rogerio phải ra sân và sau đó, cũng với pha vào bóng tương tự gần cuối trận, Tài Em đã suýt đẩy cầu thủ SHB Đà Nẵng và Đồng Tâm Long An lao vào cuộc ẩu đả không đáng có ở lượt đấu vừa qua. Không bỗng dưng để đến sau vòng đấu thứ 9, Đồng Tâm Long An phải nhận đến 2 thẻ đỏ và 22 thẻ vàng, để trở thành 1 trong 3 đội nhận thẻ phạt nhiều nhất V-League!

Để không chỉ Đồng Tâm Long An, lối đá “ác” cứ tồn tại khi các ông Vua sân cỏ vẫn quá nương nhẹ cho những màn “chém đinh, chặt sắt”. Cách xử lý này cũng tạo điều kiện cho bạo lực sân cỏ còn đất sống. Và như thế, đừng hy vọng về một sự phát triển lành mạnh của bóng đá Việt Nam khi những người có trách nhiệm vẫn cứ bàng quan hoặc chỉ xử lý những sự cố bằng cảm tính...

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.