.

Premier League có tiền mà chẳng biết tiêu tiền

.

Lần đầu tiên sau 7 năm, cả 4 “đại gia” Premier League đều “sạch bóng” tại những vòng đấu cuối cùng Champions League. Và giờ đây, họ chỉ còn bấu víu vào Europa League với 2 đại diện còn sống sót là Liverpool và Fullham. Tuy nhiên, sân chơi hạng nhì này chỉ được xem như cứu cánh cho “Lữ đoàn Đỏ” sau một mùa giải thất bại toàn diện. Có chăng, Fullham là CLB duy nhất có thể hài lòng và tự hào với chiến dịch thứ cấp này.

Đầu tư thích hợp đã giúp Barcelona (áo màu sáng) và Inter (quần sẫm) giành được những kết quả khả quan ở mùa giải này.

Từ lâu, tính bảo thủ đã khiến đa số người Anh vẫn lựa chọn việc đứng ngoài Liên minh châu Âu dù thừa điều kiện. Vương quốc Anh vẫn thích giữ và tiêu đồng Bảng Anh với hình tượng Nữ hoàng, thay vì chọn lựa Euro, đồng tiền của cả Liên minh đang ngày càng thể hiện được sức mạnh trên thị trường tài chính toàn cầu. Và không ở đâu, ngoài Anh lại tiếp tục sử dụng ô-tô tay lái bên phải, dù vẫn cho phép ô-tô có tay lái bên trái của châu Âu được phép lưu thông. Cũng như chỉ ở Anh, một thời, người ta xem bóng đá Anh là số 1 trong khi phần còn lại của châu Âu là… thấp kém!

Nhưng cũng đến lúc bóng đá Anh nhận ra giá trị đích thực của Premier League lẫn bóng đá châu Âu từ làn sóng các cầu thủ châu Âu và Nam Mỹ đến cựu lục địa từ những năm 1990.

Và tại Champions League mùa này, bóng đá Anh cần nhận rõ hơn chân giá trị của thực tế. Lần lượt, Liverpool (vòng bảng) rồi Chelsea (vòng 1/16) phải làm người xem trước khi Arsenal trở lại là “những cậu bé” khi đối đầu cùng Barcelona tại Nou Camp. Đỉnh điểm sự thất thế của Premier League được thể hiện qua hình ảnh M.U bị Bayern loại theo đúng kịch bản 1999 để “Red Devils” phải trả đủ cả gốc lẫn lãi cho “Hùm xám”.

Đã có những phân tích về sự thất thế của bóng đá Anh bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Từ lâu, UEFA - với một chủ tịch là người Pháp, Michel Platini - đã không hài lòng với cách chi tiêu “bạt mạng” của các đội bóng Anh.

Dù đầu tư không nhỏ nhưng cũng chỉ giúp Man City hướng đến tương lai hơn là phục vụ cho mục tiêu trước mắt.

Hệ quả là, Manchester United đang oằn lưng với món nợ 716,5 triệu bảng; Liverpool đang quay cuồng tìm nguồn tài chính để trả món nợ 237 triệu bảng cho Ngân hàng Hoàng gia Scotland. Chelsea phải dùng đến tiền riêng của Roman Abramovich để xóa nợ, nhưng bị tỷ phú người Nga “cấm vận” mọi hoạt động chuyển nhượng mới cho đến tháng 5-2010.

Có một thực tế là không chỉ “tứ đại gia” - ngoài Arsenal - mà cả các CLB hạng trung cũng như những CLB mới lên hạng đều bỏ hàng triệu, triệu bảng để mua sắm, thay vì sử dụng các cầu thủ trẻ do Học viện của họ đào tạo.

Để rồi, khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu như một hiệu ứng domino lan tới nước Anh, các đội bóng buộc phải “thắt lưng, buộc bụng”. Và thất bại là đương nhiên.

Theo thống kê của Ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh, số tiền Premier League dành chuyển nhượng trong mùa này đạt con số thấp nhất trong một thập niên trở lại đây. La Liga tiêu gấp 2,5 lần so với Premier League, trong khi Bundesliga cũng tiêu nhiều hơn 14% so với con số trung bình của giải Anh.

Không có gì ngạc nhiên khi biết rằng, Real Madrid tiêu 226 triệu bảng, Barcelona tiêu 98,45 triệu bảng, Inter Milan tiêu 83,24 triệu bảng và Lyon tiêu 70,17 triệu bảng. Trong khi đó, Man City được xếp hạng nhì trong số 5 CLB châu Âu tiêu tiền nhiều nhất với 128,4 triệu bảng.

Ngược lại, M.U chê Benzema quá đắt để rước về Michael Owen chuyên chấn thương hay một Javier Hernandez vô danh. Liverpool để Xabi Alonso ra đi và đưa về Aquilani chuyên làm bạn với HLV thể lực.

Trước tình trạng này, theo Fabio Capello, thất bại của Premier League tại Champions League mùa này bắt nguồn từ việc… chi tiêu quá ít và thúc giục các đại gia Anh phải mở ví rộng hơn song cũng phải bảo đảm tính hợp lý:

- Việc bán đi nhiều cầu thủ quan trọng trong mùa hè vừa qua khiến các CLB Anh suy giảm sức mạnh. Theo tôi, mỗi năm, các CLB hàng đầu cần mua một hoặc hai cầu thủ đẳng cấp để duy trì vị trí của mình. Barcelona, Inter Milan, Bayern và Lyon đã chi tiêu rất nhiều và đều có mặt ở vòng bán kết. Đầu tư là quan trọng nhưng cần phải có sự lựa chọn. Bạn phải mang về những người thích ứng và hòa nhập nhanh chóng.

Hơn thế nữa, với những thay đổi về luật thuế, người Anh nhận thấy ngày càng khó thu hút Ronaldo, Ribery, Ibrahimovic hay Kaka. Mặt khác, một khi đồng bảng Anh chưa lấy lại sức mạnh vốn có, có thể xem thất bại ở mùa giải 2009-2010 chỉ là bước khởi đầu cho một quá trình trượt dài của Premier League...

Bảo An

;
.
.
.
.
.