Không chỉ thiếu thốn cơ sở vật chất, công tác đào tạo, huấn luyện của thể thao Đà Nẵng còn gặp những trở ngại khi một thời gian dài, chính sách dành cho huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) còn những hạn chế.
Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng Nguyễn Phúc Linh, sau khi Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010) kết thúc, ngoài 8 VĐV tài năng như: Hoàng Quý Phước, Nguyễn Thị Thanh Phúc, Nguyễn Thị Kim Vân, Trần Lê Quốc Toàn, Dương Thị Thanh Minh, Trương Quốc Long, Nguyễn Đình Lộc, Lê Quang Trung, các VĐV xuất sắc còn lại lẫn các HLV đều bị cắt chế độ trợ cấp hằng tháng (2,5 triệu đồng/VĐV và 1,5 triệu đồng/HLV).
Vì vậy, ngoài khoản tiền công tập luyện tối đa 26 ngày/tháng, tương ứng 2.080.000 đồng/người, các VĐV không còn được hưởng chế độ nào khác. Đã vậy, từ bất cập của chính sách chung khi tiền công có tính chất bình quân càng khiến những VĐV có tố chất muốn giã từ con đường chuyên nghiệp. Mặt khác, khi nhìn về tương lai, những VĐV đang ở giai đoạn cuối của sự nghiệp không yên tâm tập luyện, thi đấu, ảnh hưởng không nhỏ đến thành tích chung của ngành TDTT Đà Nẵng.
Do tập trung tập huấn, thi đấu quá nhiều trong những năm qua, VĐV Nguyễn Thị Thanh Phúc không thể bảo đảm thời gian học tập tại Trường Đại học TDTT Đà Nẵng và buộc phải thi lại một số môn. Tuy nhiên, để được học và ôn tập, Thanh Phúc phải đóng hàng chục triệu đồng theo quy định. Vì thế, ngay trước thềm Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7 (2014), VĐV này đã đề đạt nguyện vọng được nghỉ thi đấu để tập trung ôn tập, hoàn tất chương trình đại học nhằm bảo đảm cho tương lai.
Trước yêu cầu chính đáng của Thanh Phúc, bằng trách nhiệm cá nhân, Phó Giám đốc Nguyễn Phúc Linh mạnh dạn hứa sẽ cố gắng giải quyết cho tương lai của Thanh Phúc, dù ông không… chắc chắn!
Phát biểu trong buổi tiếp xúc với Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh ngày 5-11 vừa qua, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện - Đào tạo VĐV (Trung tâm HL-ĐT VĐV) Đặng Đông Hải cũng không giấu thực tế khi không ít HLV xuất sắc chưa thể toàn tâm, toàn ý với nhiệm vụ, do những bất cập về chính sách. Trong những lần gặp gỡ trước đó với Báo Đà Nẵng, HLV trưởng đội tuyển cử tạ Phan Văn Thiện thẳng thắn phát biểu: “Dù rất muốn được làm việc lâu dài tại Trung tâm HL-ĐT VĐV Đà Nẵng, nhưng với mức thu nhập của một HLV trong biên chế, tôi không thể bảo đảm cuộc sống gia đình. Vì thế, tôi chấp nhận ký hợp đồng cùng Trung tâm HL-ĐT VĐV dưới dạng chuyên gia, có mức thu nhập tốt hơn. Tuy nhiên, việc phải ký hợp đồng từng năm không tạo cho tôi sự an tâm”. Tương tự, theo ông Đặng Đông Hải, HLV đội tuyển Billiards Nguyễn Thanh Long cũng băn khoăn với mức thu nhập quá thấp so với nhu cầu thực tế.
Tại buổi làm việc cùng Sở VH-TT&DL ngày 5-11, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh khẳng định: Việc Sở VH-TT&DL xây dựng “Đề án về chế độ đãi ngộ đối với các HLV, VĐV tài năng thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2015-2020” là cần thiết. Phó Bí thư Nguyễn Xuân Anh cũng yêu cầu Văn phòng UBND thành phố sớm tham mưu cho lãnh đạo UBND thành phố phê duyệt để đề án nhanh chóng được triển khai.
Tại lễ xuất quân của Đoàn Thể thao Đà Nẵng tham gia tranh tài tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7 (2014) vào ngày 8-11, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cũng khẳng định, lãnh đạo thành phố sẽ lưu tâm hơn nữa những đóng góp, cống hiến của các HLV, VĐV. Đặc biệt, sẽ cố gắng tạo điều kiện giải quyết tương lai của những VĐV xuất sắc. Bởi chính điều đó sẽ thể hiện được tính nhân văn của Đà Nẵng trong cách ứng xử với những tài năng, không chỉ trong lĩnh vực thể thao…
NGUYÊN AN