Thể thao

NGÀY THI ĐẤU THỨ 7 SEA GAMES 28

Đoàn thể thao Việt Nam nằm trong top 3

07:26, 10/06/2015 (GMT+7)

* Ánh Viên tiếp tục tỏa sáng

Cùng với các VĐV thể dục dụng cụ (TDDC), VĐV của các môn thể thao dưới nước tiếp tục đóng góp vào thành công chung của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 28.

Ánh Viên đã tạo nên một kỳ tích khi tiếp tục giành HCV nội dung 200 mét tự do nữ.                                                                         Ảnh: REUTERS
Ánh Viên đã tạo nên một kỳ tích khi tiếp tục giành HCV nội dung 200 mét tự do nữ. Ảnh: REUTERS

Trong đó, “kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên trở thành nhân vật “sáng giá” nhất khi tiếp tục thể hiện một phong độ tuyệt vời trên “đường đua xanh” tại Singapore 2015.

Trên đường đua Canoeing cá nhân nữ C1-200 mét, Trương Thị Phương đạt thành tích 51,456 giây và giành HCV, hơn đến 1,882 giây so với VĐV đoạt HCB của Thái Lan là Thiangkathok Orasa (53, 338 giây). HCĐ thuộc về tay chèo người Indonesia Andriyani Riska với thành tích 53,361 giây. 

Ở nội dung Kayak cá nhân nữ K1-200 mét, VĐV Đỗ Thị Thanh Thảo chỉ về hạng ba với thành tích 45,486 giây, kém nhà vô địch 0,977 giây khi VĐV người Singapore là Chen Sarah Jiemei giành HCV với 44,869 giây.

VĐV người Indonesia Sokoy Erni giành HCB với thành tích 45,079 giây. Sau đó, trên đường đua Kayak đôi nữ K2-200 mét, cặp VĐV Việt Nam Đỗ Thị Thanh Thảo - Vũ Thị Linh cũng chỉ có thể giành thêm chiếc HCĐ khi chỉ đạt thành tích 42,874 giây; kém 2,172 giây so với cặp VĐV giành HCV Boonyuhong Woraporn - Suansan Kanokpan (Thái Lan, thành tích 40,702 giây) và HCB thuộc về đôi VĐV Sinapore Chen Jiexian Stephenie- Seah Suzanne với thành tích 41,247 giây.

Trong môn TDDC, nội dung Nhảy ngựa, Phan Thị Hà Thanh tiếp tục có màn thể hiện xuất sắc khi vượt qua 2 VĐV mạnh của Malaysia để giành HCV với tổng số điểm 13,983 điểm. Ngôi thứ nhì và ba lần lượt thuộc về Tan Ing Yueh (13,466 điểm) và Abdul Hadi Farah Ann (13,316 điểm).

Ở nội dung Xà lệch, cả Phan Thị Hà Thanh và Đỗ Thị Thu Huyền đều không thành công khi chỉ xếp thứ 6 và 8 chung cuộc. Về phía các VĐV nam, sau khi Lê Thanh Tùng giành HCĐ nội dung Ngựa tay quay với 13,233 điểm; trong khi VĐV Kaewpanya Rartchawat (Thái Lan) đoạt HCV với 14,666 điểm và Gan Gabriel (Singapore) giành HCB với 14,533 điểm, các VĐV Đặng Nam và Phạm Phước Hưng đã rất xuất sắc trong bài thi Vòng treo. Vượt trội mọi đối thủ, Đặng Nam xứng đáng với chiếc HCV khi đạt 15,300 điểm.

Phạm Phước Hưng cũng xứng đáng với HCB khi đạt 14,033 điểm. HCĐ thuộc về VĐV Chokpaoumpai Weena (Thái Lan) với 13,166 điểm.

Sau chiếc HCV của trận chung kết nội bộ Việt Nam với chiến thắng nghiêng về cơ thủ Trần Phi Hùng sau khi đánh bại Mã Minh Cầm 100-92 để giành HCV Billiards Carom 1 băng, trên sân Điền kinh, VĐV Nguyễn Văn Lai tiếp tục khẳng định sự vượt trội so với các đối thủ để giành HCV nội dung chạy 5.000 mét nam với thời gian 14 phút 04 giây 14, phá kỷ lục SEA Games do Ramachandran (Malaysia) lập được cách đây 22 năm là 14 phút 08 giây 97.

Tuy nhiên, ở hố nhảy 3 bước, Nguyễn Văn Hùng không thành công khi chỉ đạt thông số 15, 92 mét, đành chấp nhận chiếc HCĐ. Trong khi đó, ở lần nhảy chót, VĐV Ismail Muhammad Hakimi có cú nhảy rất tốt với thành tích 16,76 mét, xứng đáng giành HCV và phá kỷ lục SEA Games cũ của chính Nguyễn Văn Hùng (16,67 mét). Với thành tích 16,20 mét, VĐV Thái Lan Kongnil Varunyoo giành HCB.

Trên đường đua xanh, Nguyễn Thị Ánh Viên thể hiện một phong độ tuyệt vời khi giành HCV 200 mét Bướm và lập kỷ lục SEA Games với thành tích 2 phút 11 giây 12, phá kỷ lục cũ của Tao Li (Singapore) là 2 phút 13 giây 49, lập tại Vientiane năm 2009. Dù nỗ lực nhưng Quah Ting Wen (Singapore) chỉ chạm đích thứ nhì sau 2 phút 14 giây 50 và “kình ngư” Thái Lan Pankaew Sutasinee về đích thứ 3 với thời gian 2 phút 14 giây 51.

Sau đó hơn 1 giờ, Ánh Viên tiếp tục giành thêm chiếc HCV 200 mét tự do cùng việc xô đổ kỷ lục cũ của Quah Ting Wen (Singapore, thành tích 2 phút 00 giây 57) khi thiết lập kỷ lục mới là 1 phút 59 giây 27. Tay bơi Junkrajang Natthanan (Thái Lan, 2 phút 00 giây 54) và Alkhaldi Jasmine (Philipipines, 2 phút 00 giây 84) lần lượt chia nhau HCB và HCĐ. Đến thời điểm hiện tại, “Nàng tiên cá” Nguyễn Thị Ánh Viên đã đoạt 6 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ và 7 lần phá kỷ lục SEA Games. Đây là một trong những thành tích ấn tượng nhất của lịch sử các kỳ SEA Games.

Với một ngày thi đấu khá thành công, đến 20 giờ ngày 9-6, đoàn Thể thao Việt Nam đứng vị trí thứ 3 với 33 HCV, 16 HCB, 38 HCĐ; tạm xếp sau đoàn chủ nhà Singapore (52 HCV, 43 HCB, 54 HCĐ) và đoàn Thái Lan (38 HCV, 40 HCB, 35 HCĐ).

Ngày thi đấu thứ 7, đoàn Thể thao Việt Nam đã gặt hái thêm những thành công tại SEA Games 28. Ngoài thành tích xuất sắc của “kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên với 2 chiếc HCV trên “đường đua xanh” ở các nội dung bơi 200 mét Bướm (2 phút 11 giây 12) và 200 mét Tự do nữ (1 phút 59 giây 27), cùng 2 kỷ lục SEA Games, các tuyển thủ quốc gia khác cũng đóng góp đáng kể vào bảng thành tích của đoàn Thể thao Việt Nam.

Trong đó, Thể dục Dụng cụ (TDDC) đóng góp 2 HCV của nam VĐV Đặng Nam nội dung Vòng treo đạt 15,300 điểm và nữ VĐV Phan Thị Hà Thanh nội dung Nhảy ngựa với tổng số điểm 13,983. Các HCV còn lại của cơ thủ Trần Phi Hùng (Billiards Carom 1 băng), VĐV Điền kinh Nguyễn Văn Lai (chạy 5.000 mét nam với thời gian 14 phút 04 giây 14) và tay chèo Trương Thị Phương (Đua thuyền Canoeing cá nhân nữ C1-200 mét với thành tích 51,456 giây).

BẢO AN

.