Thể thao

Đừng tạo sức ép với Ánh Viên

07:43, 13/08/2015 (GMT+7)

Lúc 23 giờ ngày 11-8 (giờ Việt Nam), kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên đã tạo được dấu ấn cho bơi lội Việt Nam trên đấu trường thế giới khi giành chiếc HCĐ nội dung 200 mét hỗn hợp nữ, tại Cúp bơi lội thế giới (FINA World Cup) được tổ chức ở Mátxcơva (Nga). Đây là thành quả đáng tự hào không chỉ cho cá nhân của cô gái 19 tuổi này mà còn cho cả bơi lội Việt Nam.

Nếu thiếu sự tỉnh táo, chiếc huy chương đồng FINA World Cup có thể sẽ trở thành một áp lực với Ánh Viên.           Ảnh: eurovisionsports
Nếu thiếu sự tỉnh táo, chiếc huy chương đồng FINA World Cup có thể sẽ trở thành một áp lực với Ánh Viên. Ảnh: eurovisionsports

Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, FINA World Cup là giải đấu có quy mô cùng đẳng cấp thấp hơn hẳn, so với giải bơi vô địch thế giới vừa kết thúc tại Kazan. Vì thế, chỉ có 11 VĐV tham gia tranh tài ở nội dung 200 mét hỗn hợp. Đồng thời, trong số những VĐV hàng đầu thế giới thi đấu ở nội dung này, ngoài 2 VĐV Hungary là Katinka Hosszu và Zsuzsanna Jakobos, chỉ còn thêm Lara Grangeon (Pháp) đăng ký thi đấu.

Thậm chí, trong danh sách đăng ký dự tranh nội dung 400 mét hỗn hợp diễn ra vào tối 12-8, chỉ có 5 VĐV cùng Ánh Viên tham gia thi đấu. Điều này đồng nghĩa với việc các VĐV đương nhiên được vào thi đấu lượt bơi chung kết. Với thành tích đăng ký 4 phút 39 giây 65, Ánh Viên được xếp bơi ở làn thứ 6. Trong khi đó, đương kim vô địch thế giới với thành tích đăng ký 4 phút 30 giây 31, được bơi ở làn số 4. Bên cạnh đó, Zsuzsanna Jakobos (4 phút 37 giây 38) và Lara Grangeon (4 phút 37 giây 55) trở thành những đối thủ chủ yếu của Ánh Viên.

Vì thế, theo HLV Đặng Anh Tuấn, mục đích của kình ngư này là cải thiện thành tích ở từng nội dung thi, thay vì hướng đến những tấm huy chương.

Trước thành công được xem là kỳ tích của Ánh Viên, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao (Tổng Cục TDTT), cũng khẳng định: “Có thể vui mừng với tấm HCĐ của Ánh Viên nhưng FINA World Cup được tổ chức 8 giải trong cùng một năm, khác với giải vô địch thế giới. Bên cạnh đó, giải cũng không quy tụ nhiều VĐV xuất sắc. Quan trọng là thành tích của Ánh Viên được cải thiện. Từ quy mô và tính chất hai giải đấu khác nhau nên đừng có sự so sánh để tránh những áp lực không cần thiết cho Ánh Viên”.

Hơn thế nữa, theo HLV đội tuyển bơi trẻ Singapore Phạm Thúy Vi - từng là một trong những kình ngư xuất sắc nhất Việt Nam: “Năm nay 19 tuổi, là VĐV đã trưởng thành nên Ánh Viên cần được tập trung cao độ cho một số cự ly chính, phù hợp, thay vì dàn trải”. Và nếu những nhà làm chuyên môn biết cách đầu tư phù hợp, Ánh Viên hoàn toàn có thể nghĩ đến những mục tiêu cao hơn tại ASIAD, thay vì mãi hài lòng với những chiến tích tại SEA Games hay cúp bơi lội thế giới như hiện tại.

Sau khi tranh tài tại Mátxcơva, Ánh Viên sẽ tham gia chặng thứ nhì FINA World Cup Paris-Charters (Pháp, trong hai ngày 15 và 16-8) trước khi quay lại Mỹ để tiếp tục đợt tập huấn dài hạn.

FINA World Cup khởi tranh lần đầu tiên vào năm 1979, là giải bơi hằng năm được tổ chức 7 hoặc 8 chặng thi đấu. Vào tháng 9, FINA World Cup lần lượt được tiến hành tại Hong Kong (ngày 25 và 26) trước khi diễn ra ở Bắc Kinh (ngày 29 và 30). Đến tháng 10, giải được tổ chức lần lượt tại Singapore (ngày 3 và 4) và Tokyo (Nhật Bản, ngày 28 và 29). Sau đó, FINA World Cup sẽ khép lại bằng hai chặng cuối cùng tại Doha (Qatar, ngày 2 và 3-11) và Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, ngày 5 và 7-11).

BẢO AN

.