Lâu nay, chúng ta vẫn thường nói rằng bóng đá Việt Nam đang trong cơn khủng hoảng. Đó là sự khủng hoảng về niềm tin (như chính chủ tịch VFF nói), khủng hoảng về tiền bạc, khủng hoảng về cầu thủ, trọng tài giỏi.
Các quan chức VFF tại Đại hội thường niên ở Hà Nội hôm 26-12. |
Nhưng, phải nói thêm cho đủ, khủng hoảng lớn nhất lộ rõ qua Đại hội thường niên VFF (Liên đoàn Bóng đá VN) vừa diễn ra hôm thứ bảy. Đó là khủng hoảng nhân sự quản lý ở cấp cao.
Điều đó thể hiện rõ nhất qua chuyện ông Nguyễn Sỹ Hiển vừa quay lại làm chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia. Ông Hiển ngày xưa là một chuyên gia bóng đá nổi tiếng, góp công lớn đưa Thể Công trở thành một đội bóng hàng đầu Việt Nam.
Ông cũng từng ngồi ghế HLV trưởng đội tuyển quốc gia, chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia... Nhưng năm nay ông đã 71 tuổi, đã nghỉ ngơi được vài năm rồi, vậy mà giờ đây được vời ra lại. Nhiều người bảo rằng VFF năn nỉ ông Hiển quay lại vì ông hiền, ít phản biện với VFF. Nhưng tôi không quan trọng điều đó, vì chọn người mà tối ngày ngồi gây sự thì làm sao hợp tác để phát triển được như kiểu ông Thụy Hải?
Điều tôi quan tâm là ông Hiển tuy giỏi, nhưng những kiến thức về bóng đá của ông là của vài chục năm trước, trở nên lạc hậu rồi trong thế giới hôm nay.
Quan trọng hơn nữa, xã hội Việt Nam rất nhân bản khi ấn định tuổi hưu là 60 với nam giới; sau tuổi này là lúc để họ nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già bên con cháu sau mấy chục năm cống hiến. Vậy mà VFF cứ ép ông cụ 71 tuổi ra đứng mũi chịu sào ở vị trí rất nóng như chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia thì đó thật sự là khủng hoảng trầm trọng.
Trong khi đó, có rắc rối gì đâu chuyện nhân sự cho Hội đồng HLV quốc gia. Như nhiều người đã góp ý, cứ mời 14 vị HLV của 14 đội dự V-League vào hội đồng, cùng với vị trưởng phòng các đội tuyển của VFF là đủ một bộ sậu đang sống cùng, ăn cùng bóng đá Việt hiện tại.
Chính lực lượng này sẽ giúp VFF nhẹ gánh về chuyên môn, giúp HLV trưởng đội tuyển có cái nhìn xác đáng, chính xác nhất về thực trạng cầu thủ Việt.
Một chuyện thứ hai thể hiện sự khủng hoảng nhân lực quản lý cấp cao của VFF: Sau khi kết thúc đại hội thường niên hôm thứ bảy, tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại kể rằng họ thấy thương cho chủ tịch vì sức khỏe của ông không còn tràn trề sinh lực, hưng phấn như hồi nhậm chức.
Lẽ ra đã đến lúc phải để chủ tịch nghỉ ngơi, nhưng rồi người ta cứ năn nỉ ông phải ngồi lại. Việc năn nỉ này có cả từ lãnh đạo ngành thể thao. Đơn giản bởi chủ tịch mà nghỉ, VFF sẽ trở thành một đấu trường “thảm khốc” khi chẳng ai chịu ai và cũng chẳng ai có sự nổi trội.
Thêm nữa, nhân vật số hai - phó chủ tịch thường trực - thì ngày càng mất uy tín, đặc biệt qua việc tranh thủ đi nước ngoài liên miên, không dự những cuộc họp cực kỳ quan trọng như đại hội cổ đông VPF, họp chuẩn bị mùa giải tới... dù ông là nhân vật chịu trách nhiệm chính! Vì vậy, người ta nài nỉ chủ tịch ráng ngồi lại để mong êm được ngày nào hay ngày nấy.
Cuộc khủng hoảng từ nóc là nguyên nhân dẫn đến kết quả khủng hoảng trên sân cỏ...
Theo Tuổi trẻ