Thể thao

SHB Đà Nẵng và những nỗi lo...

07:53, 04/12/2015 (GMT+7)

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa, mùa giải 2016 sẽ chính thức khởi tranh nhưng lúc này đây, đội bóng sông Hàn vẫn ngổn ngang nỗi lo khi sân vận động Chi Lăng vẫn chưa được sửa sang, nâng cấp. Đồng thời, hoạt động của Trung tâm TDTT SHB Đà Nẵng nằm trên địa bàn hai phường Hòa Khánh Nam và Hòa Minh (Liên Chiểu) cũng gặp những khó khăn nhất định.

Việc sinh hoạt và tập luyện của các VĐV tại Trung tâm Thể thao SHB Đà Nẵng đang bị tác động xấu bởi không ít yếu tố khách quan.
Việc sinh hoạt và tập luyện của các VĐV tại Trung tâm Thể thao SHB Đà Nẵng đang bị tác động xấu bởi không ít yếu tố khách quan.

Khi được hỏi về kết quả khảo sát của VPF đối với CLB SHB Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Công ty CP Thể thao SHB Đà Nẵng Bùi Xuân Hòa nói vui, song không giấu được lo âu: “Theo kết luận của đoàn khảo sát VPF, nhìn chung, cơ sở vật chất của sân Chi Lăng là được, nếu so với những CLB có cơ sở vật chất… tệ hơn!”.

Qua biên bản kết luận của đoàn khảo sát VPF, CLB SHB Đà Nẵng phải nâng cấp, sửa chữa khá nhiều hạng mục để đáp ứng Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp, chuẩn bị cho mùa bóng mới; trong đó, phải lắp đặt mái che khán đài A, điều chỉnh hệ thống chiếu sáng đủ 900 lux; lắp ghế khán đài B; sửa chữa các phòng chức năng, đặc biệt, khu vệ sinh các khán đài.

Tuy nhiên, đến lúc này, thành phố vẫn chưa có những động thái chỉ đạo ngành TDTT cũng như yêu cầu đối với CLB SHB Đà Nẵng trong việc sửa chữa, nâng cấp hệ thống sân bãi lẫn cơ sở vật chất cho sân vận động Chi Lăng, nhằm chuẩn bị tích cực hơn cho mùa giải 2016.

Trong khi đó, sau khi chuyển về Trung tâm TDTT SHB Đà Nẵng, tưởng chừng CLB SHB Đà Nẵng lẫn các tuyến trẻ sẽ ổn định hơn, tuy nhiên, theo ông Bùi Xuân Hòa, trong quá trình thi công lẫn khi CLB SHB Đà Nẵng cùng các tuyến trẻ chuyển về trung tâm, một số hộ dân sống chung quanh đã phá dỡ tường rào để làm lối đi tắt.

Không những thế, việc các hộ dân thả rông bò, dê và chăn dắt trong khu vực của trung tâm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của các VĐV. Bên cạnh trung tâm còn một mỏ đá lộ thiên, được khai thác hằng ngày.

Không chỉ tiếng nổ mìn khai thác đá ảnh hưởng đến sinh hoạt mà việc khai thác đá còn gây nguy hiểm cho các VĐV khi mảnh vỡ do nổ mìn văng vào sân tập. Mặt khác, việc các xe ủi, xe xúc vận hành… đã tung bụi vào phòng ở khiến sức khỏe của VĐV bị ảnh hưởng không nhỏ.

Chưa kể đến việc nổ mìn khai thác đá còn làm nứt nhà ở của VĐV. Đồng thời, con đường vào Trung tâm TDTT SHB Đà Nẵng mới chỉ được rải đá cấp phối, chưa có hệ thống thoát nước nên thường bị ngập úng mỗi khi mưa. Vào những ngày mưa lớn, việc học tập của các VĐV ở những tuyến trẻ bị gián đoạn cũng như bộ phận cấp dưỡng không thể vào bên trong để phục vụ cho các VĐV.

Ngày 2-12 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết cùng lãnh đạo quận Liên Chiểu, các phường liên quan và một số ban ngành của thành phố đã có buổi gặp gỡ, làm việc cùng CLB SHB Đà Nẵng.

Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết khẳng định, thành phố luôn hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để CLB SHB Đà Nẵng cũng như Trung tâm TDTT SHB Đà Nẵng ổn định và phát triển. Song, để giải tỏa được những ngổn ngang nỗi lo như thế này, luôn cần những động thái quyết liệt hơn từ thành phố, trước khi CLB SHB Đà Nẵng bước vào mùa giải mới!

Bài và ảnh: BẢO AN

.