Thể thao
Euro 2016 "tuyên chiến" với khủng bố
Trước sự đe dọa khủng bố, đặc biệt, sau vụ đánh bom tự sát của những phần tử Hồi giáo cực đoan tại Brussels, cơ quan quản lý bóng đá châu Âu (UEFA) vẫn tỏ thái độ rất quyết liệt khi “không có kế hoạch tổ chức Euro 2016 trên sân không có người xem”. Bên cạnh đó, UEFA cũng sẽ “tổ chức với những kế hoạch dự phòng và xây dựng nhiều kịch bản chung quanh các tình huống khủng hoảng”.
Với sự hỗ trợ của lực lượng đặc nhiệm SAS (ảnh), UEFA và nước Pháp hy vọng sẽ đủ sức đưa ra lời “tuyên chiến” với nạn khủng bố. Ảnh: the sun |
Phát biểu trên Radio 24, Phó Chủ tịch UEFA Giancarlo Abete khẳng định: “Chúng tôi sẽ không hủy bỏ hoặc hoãn Euro 2016...”. Trong kết luận cuối cùng, UEFA xác định, vẫn tổ chức Euro 2016 bình thường song cần tập trung nhiều hơn vào sự an toàn cho khán giả và an ninh cho trận đấu. Trong một tuyên bố mới nhất, UEFA cho biết: “Chúng tôi tin rằng, tất cả các biện pháp an ninh sẽ được triển khai, giúp cho giải đấu an toàn và sẽ không có kế hoạch Euro 2016 diễn ra trên sân không có người xem”.
Theo kế hoạch, Euro 2016 sẽ được khai mạc vào ngày 10-7 tại sân vận động Stade de France, một trong những mục tiêu của các phần tử khủng bố ở cuộc tấn công vào Paris hồi tháng 11-2015. Hơn 130 người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công trên khắp Paris vào thời điểm đó, buộc trận giao hữu sau đó giữa hai đội tuyển Đức và Hà Lan tại Hannover phải hủy bỏ vì e ngại các cuộc tấn công khủng bố khác.
Thừa nhận, các vụ khủng bố - mà gần nhất là cuộc tấn công Brussels - có thể tác động tiêu cực đến Euro 2016 khi người xem lẫn cầu thủ không thể tham gia giải đấu với tâm trạng thoải mái nhất nhưng UEFA khẳng định, Euro 2016 sẽ không “đầu hàng” khủng bố.
UEFA và nước chủ nhà Pháp đã hướng đến việc nhờ sự giúp đỡ của lực lượng SAS (Special Air Service - lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ thuộc Quân đội Hoàng gia Anh) và một bộ phận ưu tú nhất của Interpol để ngăn ngừa các cuộc khủng bố có thể nhắm vào Euro 2016. Đặc biệt, chính phủ Pháp đang rất lo ngại các phần tử khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS tổ chức các vụ đánh bom tự sát.
Vì vậy, họ viện dẫn một phần của Hiệp ước Lisbon của EU để kêu gọi sự giúp đỡ của SAS trong suốt tiến trình giải đấu. Theo đó, “nếu một quốc gia thành viên trở thành mục tiêu tấn công của chủ nghĩa khủng bố hay nạn nhân của các thảm họa, thiên tai thì sẽ nhận được sự giúp đỡ của các quốc gia thành viên khác”.
Như thế, với sự hợp tác của SAS và Interpol cùng với sự hỗ trợ của chính phủ Pháp và UEFA, tất cả đều đang làm những gì tốt nhất để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tất cả các đội tuyển quốc gia cũng như hàng triệu khán giả dự khán Euro 2016.
SAS được chờ đợi sẽ có các giải pháp phù hợp, giúp đảm bảo an ninh cho tất cả các trại huấn luyện và khách sạn, cũng như tư vấn về các biện pháp phòng ngừa chung quanh những địa điểm liên quan đến giải đấu. Đồng thời, các lực lượng sẽ được thành lập để tiến hành ngăn chặn những đối tượng tình nghi, có thể gây ra bất kỳ mối đe dọa nào với Euro 2016 quanh các sân vận động và khu vực cổ động viên.
Sau những cuộc tấn công khủng bố Paris hồi tháng 11-2015, an ninh sẽ được siết chặt hơn nữa sau vụ tấn công Brussels. UEFA xác định rất mạnh mẽ: “Trong hơn ba năm nay, Euro 2016 đã được các tổ chức liên quan xây dựng các cơ chế thích hợp nhất để đảm bảo một giải đấu an toàn tuyệt đối. Và tất cả các biện pháp cần thiết đang được thực hiện để đảm bảo cho một kỳ Euro không chỉ thành công về chuyên môn mà còn an toàn trước sự đe dọa của nạn khủng bố”.
NGUYÊN AN