Thể thao

Sổ tay

Trầm kha căn bệnh thành tích

08:22, 18/10/2016 (GMT+7)

Tại giải Bơi Lặn Vô địch quốc gia 2016 đang diễn ra tại Cung Thể thao dưới nước (khu Liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội), trong tổng số 101 VĐV thuộc  17 đơn vị tham gia tranh tài, nổi lên hai cái tên khiến số VĐV còn lại... ngán ngẩm! Đó là “tiểu tiên cá” Nguyễn Thị Ánh Viên (Quân đội) và “dị nhân sông Hàn” Hoàng Quý Phước (Đà Nẵng). Cũng xin nói lại cho rõ, thông tin ban đầu của Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam (VASA) cung cấp cho báo chí vừa qua có sự nhầm lẫn rất lớn khi thông báo, đoàn Đà Nẵng chỉ có 1 VĐV nam và 10 VĐV nữ dự giải. Tuy nhiên, trên thực tế, Đà Nẵng cử 10 VĐV nam và 1 VĐV nữ tham gia tranh tài, trong đó có Hoàng Quý Phước.

Sự ngao ngán này hoàn toàn dễ hiểu khi tại giải Vô địch quốc gia 2015, tham gia thi đấu ở 20 nội dung, Ánh Viên dễ dàng giành đến 14 HCV, 3 HCB cá nhân và cùng các đồng đội giành thêm 2 HCV, 1 HCB ở các cự ly tiếp sức. Với sự xuất sắc vượt trội của mỗi Ánh Viên, đoàn Quân đội không mấy khó khăn vượt qua đoàn thành phố Hồ Chí Minh (14 HCV, 6 HCB, 6 HCĐ) để chiếm thứ hạng nhất toàn đoàn. Với Đà Nẵng, thành công trên “đường đua xanh” cũng chỉ dựa vào tài năng cá nhân của Hoàng Quý Phước, để với 5 HCV của kình ngư này, Đà Nẵng được xếp hạng ba toàn đoàn.

Dĩ nhiên, chẳng ai có thể phản đối các đơn vị chủ quản, trừ chính lòng tự trọng của lãnh đạo những đơn vị quản lý trực tiếp các VĐV xuất sắc vượt trội. Bởi lẽ, việc “nuôi quân ba năm, sử dụng một giờ” cũng là lẽ tất yếu. Nhưng sân chơi của những tuyển thủ quốc gia với khả năng chuyên môn vượt trội phải ở tầm châu lục hoặc thế giới, hay chí ít cũng tại đấu trường khu vực. Vì thế, việc có mặt những tên tuổi ấy ở đấu trường quốc nội từng được ví von là “dùng dao mổ trâu để giết gà”.

Hơn thế nữa, không ít tuyển thủ được đi đào tạo dài hạn ở nước ngoài từ ngân sách Nhà nước; trong khi đó, đại đa số các VĐV còn lại chỉ được luyện tập tại đơn vị mình với kinh phí hết sức hạn hẹp. Cho nên, việc sử dụng nguồn tài chính quốc gia để đào tạo nhân tài phải được sử dụng cho nhiệm vụ quốc gia, thay vì lao vào cuộc cạnh tranh huy chương quốc nội. Cũng có ý kiến cho rằng, một số HLV muốn học trò có thành tích để được khen thưởng - đồng nghĩa với quyền lợi của chính HLV - cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Với trường hợp Ánh Viên thi đấu tại giải lần này dưới danh nghĩa Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm Đặng Hà Việt xác định, “tiểu tiên cá” chỉ thi đấu với tính chất cọ xát và sẽ không được nhận tiền thưởng nếu có thành tích. Lãnh đạo Tổng cục Thể dục - Thể thao (TDTT) cũng không đồng tình với việc Ánh Viên thi đấu để giành huy chương và đã chỉ đạo HLV Đặng Anh Tuấn chỉ cho Ánh Viên thi đấu để kiểm tra.

Trường hợp của Hoàng Quý Phước có lẽ cũng cần một cách ứng xử tương tự của ngành TDTT thành phố Đà Nẵng. Bởi từ lâu nay, trong một khoảng thời gian quá dài, bơi lội Đà Nẵng vẫn chỉ biết phụ thuộc Hoàng Quý Phước. Thực tế đã cho thấy một “khoảng trống” không nhỏ trong công tác đào tạo của bơi lội Đà Nẵng. Nếu không có cách ứng xử phù hợp trong trường hợp Hoàng Quý Phước, e rằng, hình ảnh đẹp đẽ trong mắt mọi người sẽ vơi đi một khi Đà Nẵng cũng vướng phải căn bệnh thành tích vốn dĩ chẳng mấy tốt đẹp.

NGUYÊN AN

.