Thất bại của đại diện bóng đá Việt Nam ở đấu trường SEA Games kéo theo nhiều tranh luận, phân tích liên quan đến chất lượng hoạt động, vai trò và trách nhiệm của nhiều cá nhân, tập thể. Đây là một việc làm cần thiết và nếu tiến hành bài bản vì cái đích tối thượng là sự phát triển của cả nền bóng đá thì đúng là “trong họa có phúc”.
U22 Việt Nam thất bại thảm hại tại SEA Games 29.Ảnh: VietNamNet |
Trong rất nhiều đánh giá, nhận xét khá sát với thực trạng, cùng với việc chỉ ra chất lượng, tay nghề của huấn luyện viên trưởng, nổi bật ý kiến chê trách vai trò kiến trúc của cơ quan đầu não là Liên đoàn Bóng đá quốc gia.
Mờ nhạt, vắng tầm nhìn, thiếu tiếng nói chung là phác họa và cảm nhận của nhiều người về bộ máy quản lý, điều hành này. Vì thiếu tính đồng tâm hợp lực, mỗi người mỗi phách- thậm chí công khai chỉ trích nhau vì quyền lợi cục bộ hay vì tự ái cá nhân- thành viên của liên đoàn phần lớn chỉ là hư danh, ít đóng góp trí tuệ cho sứ mạng hoạch định, thiết kế hướng đi cả nền bóng đá nước nhà.
Năng lực hạn chế, uy tín thấp, nhiều người giữ vai trò đầu tàu của liên đoàn thường chọn cách giữ mình êm ả trên chiếc ghế công vụ, vắng bóng sáng tạo, hời hợt lòng tự trọng nghề nghiệp và ý thức trách nhiệm. Thực tế cho thấy thời gian qua, bộ máy này thiếu vắng người chỉ huy cao nhất có đủ quyền năng, uy tín đối mặt, ứng xử với các vấn đề nóng bỏng, mang tính chiến lược phát triển, nâng chất nền bóng đá. Chuyên gia Lê Thế Thọ, trong trả lời phỏng vấn của Báo Tuổi Trẻ, chỉ ra rằng điều cấp thiết lúc này là chấn chỉnh hoạt động của liên đoàn, mạnh dạn chọn người có tài năng và tâm huyết vì sự nghiệp phát triển bóng đá, kiên quyết chia tay những cá nhân không coi trọng danh dự, thiếu trách nhiệm với nền bóng đá nước nhà.
Củng cố, nâng chất giải vô địch quốc gia cũng là một thúc ép bức thiết. Đây chính là cái nền cần thiết cho việc hình thành, xây dựng, nâng chất lượng và thành tích các đội tuyển. Nhiều người nhận xét hiện tượng khán đài các lượt đấu hàng tuần của V-League trống vắng khán giả bắt nguồn từ chất lượng nhiều cuộc tranh tài ngày càng đi xuống, kỹ thuật, chiến thuật chững lại. Điều khiến công chúng xót xa là sự xuống cấp về phong cách, thái độ thi đấu của cầu thủ, thể hiện qua lối chơi sính tiểu xảo, các ứng xử thô bạo coi thường điều luật và người xem.
Khi chưa dứt được hiện tượng chạy theo thành tích trước mắt mà hời hợt với chiến lược phát triển lâu dài, khi tình trạng nhập nhằng về điều lệ vẫn còn tồn tại, tìm sự hấp dẫn cho một giải đấu đỉnh cao là điều không dễ. Sẽ thiếu thực tế nếu dựa trên cái nền mỏng manh ấy mà mơ về một đội tuyển quốc gia hay đội tuyển U-22 có chất lượng, đủ sức gặt hái thành quả ở các đấu trường quốc tế.
Mà có hay ho gì nếu giả dụ các đội tuyển ấy bỗng chốc bất ngờ mang về các danh hiệu! Giữa một nền bóng đá phát triển đúng hướng với tầm nhìn xa rộng về 10 năm, 20 năm sau để vững vàng sánh vai với bè bạn tiên tiến và các danh hiệu mang về từ một đội tuyển thiếu tính bền vững, chắc chắn công chúng Việt Nam sẽ chọn điều đầu tiên.
Vấp ngã, vì thế, lắm lúc thật cần thiết, đặc biệt với một nền bóng đá thiếu chiều sâu.
ĐÌNH XÊ