Thể thao

Bước ngoặt

07:52, 08/10/2017 (GMT+7)

“Thằng phản bội, hãy cút xéo đi!” có lẽ là lời đay nghiến tệ hại nhất mà Gerard Pique (ảnh) hứng chịu khi anh bước vào sân, chuẩn bị buổi tập của đội tuyển quốc gia Tây Ban Nha đầu tuần này. Dù chàng trung vệ cao lớn phản ứng bằng cách lẳng lặng chú mục vào bài tập cùng đồng đội, cơn thịnh nộ từ đám đông ngoài rìa sân cứ hoài inh ỏi. Sự hằn học đã đến mức đỉnh điểm. Hố ngăn cách dường quá lớn so với ước vọng hòa hợp cảm thông.

Đó là vì Pique là con dân xứ Catalonia và vừa bộc trực ủng hộ ước nguyện ly khai độc lập của cộng đồng qua cuộc trưng cầu ý dân diễn ra trước đó không lâu. Ý kiến của đám đông hùng hổ bên ngoài sân tập kia có vẻ cực đoan, rằng nếu thế thì Pique hãy thôi mặc áo đội tuyển Tây Ban Nha, đừng có mà vướng víu với màu áo đã giúp anh gặt hái bao nhiêu là danh hiệu.

“Đáng buồn thay, tôi đã phục vụ màu cờ sắc áo này nhiều năm rồi và cảm nhận đội tuyển quốc gia như một mái nhà. Người ta không hề thấy thiện ý của tôi, chỉ nghi ngờ đố kỵ và hả dạ khi làm người khác tổn thương…”, giọng Pique buồn rười rượi. Mắt anh đỏ hoe rướm lệ. Con người được tiếng gan lỳ, nhẫn nhịn trong đội hình Tây Ban Nha tung hoành tại các Euro, World Cup không kìm được nỗi xúc động. Im lặng một hồi để kìm nén xúc cảm, Pique nói điều anh mong mỏi lúc này là các bên hãy sòng phẳng và thật lòng đối thoại vì lợi ích chung của đất nước: “Tôi hạnh phúc khi thi đấu cho đội tuyển Tây Ban Nha nhưng nếu điều này không làm vừa lòng đám đông thì cũng sẵn sàng từ giã niềm vui ấy”.

Một Tây Ban Nha rối rắm vì đòi hỏi ly khai độc lập của Catalonia kéo theo nhiều hệ lụy xã hội, nhiều khúc mắc lòng người, trong đó dấy lên viễn cảnh phá rối trật tự và truyền thống của một nền bóng đá có uy tín và chất lượng thuộc dạng hàng đầu thế giới. Tebas, người đứng đầu Giải vô địch bóng đá quốc gia Tây Ban Nha, cảnh báo nếu chuyện ly khai diễn ra trên thực tế thì do các quy định pháp lý, các đội bóng của xứ Catalonia bao gồm Barcelona, Espanol, Girona không còn tư cách tham dự, phải rời giải đấu. Lời đe dọa dần biến thành hiện thực: Barcelona tuần rồi phải thi đấu với Las Palmas giữa một Nou Camp không bóng khán giả sau khi đề nghị hoãn trận đấu này- vì diễn ra trong ngày trưng cầu dân ý- không được chấp thuận. Sắp tới, họ đến sân của đối thủ Atletico Madrid ở vòng đấu thứ 8 mà không thể mang theo một cổ động viên nào. Chính trị đã can dự vào sân chơi thể thao, biến bóng đá thành một công cụ tạo sức ép thay vì một giải pháp ôn hòa.

Viễn cảnh một La Liga suy giảm tính hấp dẫn vì vắng bóng các đại biểu Catalonia sờ sờ trước mặt. Các siêu kinh điển vốn là món hàng đặc hiệu của bóng đá Tây Ban Nha tạo nên bởi hai tên tuổi lớn Real Madrid, Barcelona từng lôi cuốn người yêu bóng đá năm châu có nguy cơ biến mất. Ngay từ bây giờ, người ta đã khoái trá dự đoán  phương án chàng khổng lồ Barcelona sẽ chọn “đầu quân” thi đấu cho giải vô địch quốc gia nào- Pháp, Anh, Đức hay Ý!

Bước ngoặt chính trường có thể kéo theo nhiều đảo lộn, đổi thay thao trường và từ đó hình thành các cột mốc và giá trị mới của sân cỏ Tây Ban Nha và rộng hơn, cả châu Âu. Là người con của xứ Catalonia, tay vợt Rafael Nadal có vẻ chưa thích ứng với biến cố này nên nằng nặc van nài: “Xin đừng gắn thể thao với chính trị, hai thứ ấy phải tách bạch nhau”. Cũng như Pique, chàng trai đang là số một làng banh nỉ thế giới đã rớt nước mắt vì biến cố.

Pique khóc, Nadal khóc, nhiều nhà thể thao khác hẳn cũng hết lời nài nỉ nhưng có thể nước mắt khẩn cầu của họ sẽ rơi vào khoảng không…

ĐÌNH XÊ

.