Thể thao

Bóng đá Việt Nam và giấc mơ dự VCK World Cup: Từ U20 đến đội tuyển quốc gia

08:46, 22/11/2017 (GMT+7)

Có lẽ là một phút cao hứng khi ký hợp đồng ngồi vào ghế Giám đốc Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá trẻ Việt Nam (PVF), cựu danh thủ Man United và Xứ Wales - Ryan Giggs, đã "chém" hơi quá tay, rằng sẽ góp phần đưa bóng đá Việt Nam đến với VCK World Cup 2030. U20 đã làm được điều đó, nhưng với đội tuyển quốc gia thì cần cả một chiến lược khoa học, một tầm nhìn xa; đặc biệt sự đầu tư phải đúng và trúng.

ĐTQG và bóng đá Việt Nam muốn phát triển thì trình độ của VFF cũng phải cải thiện. Ảnh: TT&VH
ĐTQG và bóng đá Việt Nam muốn phát triển thì trình độ của VFF cũng phải cải thiện. Ảnh: TT&VH

Có phát triển nhưng chưa bền vững

Thực tế là, chúng ta đã có cả một chiến lược phát triển và tầm nhìn đến năm 2030, được Chính phủ phê duyệt trước đó rồi, chứ chẳng phải đợi Giggs và Scholes.

Nói như thế để thấy rằng, lịch sử luôn có chỗ đứng nhất định và việc đưa ra chỉ tiêu hay mục tiêu hành động, phải dựa trên cơ sở biện chứng. Đến lúc này, bóng đá Việt Nam mới chính thức lọt vào Top 24 đội bóng hàng đầu châu Á thông qua suất tham dự ASIAN Cup 2019 vừa giành được, chứ chưa đảm bảo là "ổn định trong Top 15 đội bóng mạnh nhất châu lục", như chỉ tiêu đề ra. Bóng đá là môn khoa học biện chứng, phải tạo được tiền đề, rồi mới tính đến kế thừa, phát huy và phát triển.

Theo tính toán, đến VCK World Cup 2030, số lượng các suất tham dự sẽ không chỉ dừng lại ở con số 32 đội, mà có thể tăng gấp đôi. Người ta kỳ vọng châu Á sẽ có ít nhất 8,5 suất vào VCK. Nhưng việc chúng ta có đảm bảo mình sẽ giành được 1 trong 8,5 vị trí này, thông qua vòng loại, sau 10 năm nữa hay không, là chuyện của thì tương lai. Cần phải nói lại cho rõ rằng, năm 2007, Việt Nam với tư cách đồng chủ nhà VCK ASIAN Cup, được miễn vòng loại và thành tích vào tứ kết, chưa nói lên bản chất của nền bóng đá.

Vòng loại World Cup và ASIAN Cup đã và đang được ghép thành 1 thể thức thi đấu thống nhất, tuy nhiên, vẫn phải khu biệt 2 sân chơi mang bản chất khác nhau. Bằng với những đầu tư ở tầm vĩ mô, các chiến lược và tầm nhìn khoa học, chắc chắn bóng đá Việt Nam sẽ phát triển trong tương lai, nhưng khó thể hoá rồng với chu kỳ 13 năm nữa, bởi nó chỉ bằng với 2-3 thế hệ cầu thủ. HAGL Arsenal JMG đã bắt đầu đào tạo những sản phẩm mẫu từ 10 năm trước, sau đó là PVF, Hà Nội và Viettel..., nhưng trình độ bóng đá Việt vẫn chưa thoát ra khỏi khu vực Đông Nam Á.

Nội lực là yếu tố quyết định

Trong bóng đá, thể lực - kỹ thuật là nền tảng, còn chiến thuật chỉ là yếu tố bổ trợ. Tức là về cơ bản, nòi giống và các điều kiện dinh dưỡng, tập luyện, sẽ quyết định sản phẩm đầu ra (cầu thủ). Bằng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật áp dụng vào bóng đá, với các phương pháp huấn luyện cấp tiến, sẽ giúp nâng tầm năng lực chơi bóng và năng lực chinh phục của cầu thủ, của đội bóng hay rộng hơn là của nền bóng đá. Ở cấp độ đầu ra là ĐTQG, chúng ta vẫn cần các kiến trúc sư ở đẳng cấp cao hơn để huấn luyện, chứ đào tạo trẻ chỉ là khâu quan trọng đầu tiên.

Cả ở mảng đào tạo, huấn luyện và môi trường thi đấu, thì chất xám ngoại lực (con người, công thức - phương pháp tiên tiến từ những nền bóng đá phát triển hàng đầu)..., đóng vai trò khá quan trọng như một hoa tiêu (dẫn lái), giúp chúng ta nâng cấp chất lượng cầu thủ, HLV, cũng như hệ thống - chất lượng và giá trị thương mại của các giải đấu. Nhưng yếu tố quyết định thành bại/được mất, chắc chắn là nguồn nội lực. Khi nào bóng đá Việt Nam có thể tự cường ở nhiều cấp độ - hạng mục, chúng ta mới có thể đặt chỉ tiêu một cách rõ ràng hơn, bằng không...

Cựu danh thủ Ryan Giggs phát biểu như thế nào, là việc riêng của anh ta và của cơ quan chủ quản - trả lương cho anh ta. Còn nền bóng đá vẫn sẽ vẫn phải thực tế, hiểu những hạn chế và điểm mạnh của mình. Điều Giggs nói, cách đây vài năm, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã nói, bầu Đức cũng giơ tay..., nhưng có một điều chắc chắn, không nền bóng đá nào đến được với VCK World Cup bằng chỉ một Học viện đào tạo tài năng trẻ cả. Và chắc chắn, cũng không có gì đảm bảo Giggs sẽ dắt tay các cầu thủ Việt Nam đến World Cup 2030, với chỉ 2 năm hợp đồng.

Trong "Chiến lược phát triển" và "Tầm nhìn" mà Chính phủ thông qua, nền bóng đá cần hàng chục học viện cỡ lớn, hàng ngàn đội bóng ở nhiều cấp..., mới hy vọng là vì thế. Và quan trọng, cần cách làm bóng đá tử tế, cùng những tín hiệu tích cực phải được cổ vũ. Chứ nếu kiểu tham dự VCK U20 World Cup vẫn bị Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức chê bai, cho rằng may mắn, thì khó mà phát triển.

Vừa chạy vừa xếp hàng

Ngày 8-3-2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khi đó đã thay mặt Chính phủ (ký quyết định thay cho Thủ tướng), phê duyệt "Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Chiếu theo lịch thi đấu bóng đá Đông Nam Á, bao gồm cả Đại hội Thể thao Đông Nam Á (tức SEA Games), từ bây giờ đến năm 2020, sẽ chỉ còn nhiều nhất 1 kỳ SEA Games (2019) và 2 giải AFF Cup (2018 và 2020). Trước đó (từ 2012), nền bóng đá đã "tiêu phí" 3 kỳ Đại hội và 3 giải vô địch Đông Nam Á, mà hoàn toàn trắng tay. 27 năm kể từ sau khi bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại, chúng ta mới chỉ một lần giành chức vô địch Đông Nam Á (2008) và chưa từng chạm vào được chiếc HCV môn bóng đá nam SEA Games.

Theo TT&VH

.