Nếu không có những thay đổi vào phút chót, với việc nằm trong bảng D cùng với các đội U23 Nhật Bản, U23 Pakistan và U23 Nepal, việc giành quyền vào vòng 2 môn bóng đá nam ASIAD 2018 của đội tuyển U23 Việt Nam là hoàn toàn khả thi.
Chắc chắn, tại ASIAD 2018, đội U23 Việt Nam rất khó tạo được kỳ tích như từng làm được tại giải Bóng đá U23 châu Á 2018. Ảnh: Xinhuanet |
So với các đối thủ trong bảng, Nhật Bản là một đối thủ vượt trội về nhiều mặt. Kể từ ASIAD 2002, khi công thức U23 + 3 bắt đầu được áp dụng, U23 Nhật Bản dã một lần đăng quang (2010), một lần giành ngôi á quân (2002) và ở Incheon 2014, Nhật Bản vào đến tứ kết nhưng thất bại 0-1 trước chủ nhà Hàn Quốc, đội bóng sau đó giành ngôi vô địch. Chuẩn bị cho ASIAD 2018, đội bóng của HLV Hajime Moriyasu tham gia giải bóng đá quốc tế Toulon 2018 và gặt hái được những kết quả khả quan, trong đó, có những trận thắng Bồ Đào Nha 3-2, Togo 1-0 và chỉ thua sát nút Thổ Nhĩ Kỳ 1-2. Trong khi đó, 2 đối thủ còn lại là Nepal và Pakistan đều chưa bao giờ được đánh giá cao tại các kỳ ASIAD.
Với đội tuyển U23 Việt Nam, sáng 19-7, HLV Park Hang-seo đã chính thức công bố danh sách 30 tuyển thủ được triệu tập để chuẩn bị cho ASIAD 2018. Do các đội tuyển được đăng ký tối đa 3 cầu thủ trên 23 tuổi nên như thủ thành Đặng Văn Lâm, tiền vệ Đỗ Hùng Dũng, tiền đạo Nguyễn Anh Đức và Nguyễn Văn Quyết đã có mặt trong đợt tập trung này. Đồng thời, Triệu Việt Hưng, Lê Phạm Thành Long và Hoàng Minh Tuấn cũng lần đầu được trao cơ hội.
Theo kế hoạch, sau khi vòng 20 V-League 2018 kết thúc, toàn đội sẽ hội quân tại Hà Nội và tham gia giải Tứ hùng (từ ngày 3 đến 7-8), trước khi vào Bình Dương tập huấn, trước khi lên đường sang Indonesia vào ngày 12-8. Tại ASIAD 2018, lịch thi đấu của U23 Việt Nam cũng khá thuận lợi khi lần lượt gặp Pakistan (ngày 15-8), Nepal (17-8) và Nhật Bản (21-8). Dù có một phần áp lực từ sự kỳ vọng của người hâm mộ nhưng theo HLV Park Hang-seo, ông và các học trò chỉ đặt ra mục tiêu cụ thể để có thể đạt kết quả tốt. Trước mắt, U23 Việt Nam sẽ vượt qua vòng đấu bảng rồi mới tính tiếp.
Mục tiêu này cũng khá hợp lý khi phía trước là những đối thủ rất mạnh như Hàn Quốc, Iran (cùng 4 lần vô địch) hay Saudi Arabia, Uzbekistan, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên lẫn Nhật Bản, Thái Lan hay cả chủ nhà Indonesia. Trong 4 kỳ ASIAD gần nhất, thành tích tốt nhất của U23 Việt Nam vẫn là giành quyền vào vòng 16 đội với các thứ hạng lần lượt 14/24 (2010) và 9/29 (2014). Vì thế, đừng nên quá chờ đợi U23 Việt Nam tạo được điều thần kỳ như tại Trung Quốc hồi đầu năm tại giải Vô địch U23 châu Á một khi sự kỳ vọng ấy hoàn toàn phi thực tế.
NGUYÊN HUY