Có cùng 2 trận thắng và bằng nhau cả chỉ số phụ, cuộc đối đầu giữa Olympic Việt Nam (O.Việt Nam) và Olympic Nhật Bản (O.Nhật Bản) vào chiều chủ nhật (19-8) có ý nghĩa quyết định ngôi đầu bảng D.
Quá sớm để tính toán đến việc gặp đối thủ nào ở vòng 1/8 nhưng việc giành ngôi đầu sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho đội thắng ở trận đấu này. Hơn nữa, cũng chưa thể đánh giá thực lực của O.Việt Nam lẫn O.Nhật Bản khi cả Pakistan lẫn Nepal đều quá yếu so với đội bóng của HLV Park Hang-seo cũng như đoàn quân của HLV Hajime Moriyatsu.
Trước một đối thủ mạnh như Nhật Bản, rất cần những cầu thủ nhanh nhẹn và khéo léo như Quang Hải (áo trắng) trong nhiệm vụ xuyên thủng hàng phòng ngự đối phương. Ảnh: ĐỨC CƯỜNG |
Đáng nói, tại ASIAD 2018, Nhật Bản cử đội hình U21 với mục tiêu hướng đến Olympic 2020 mà Tokyo là thành phố đăng cai. Xa hơn, đây sẽ là thành phần nòng cốt của đội tuyển Nhật Bản nhằm chuẩn bị cho chiến dịch vòng loại World Cup Qatar 2022.
Vì thế, không ngẫu nhiên mà Moriyatsu được trao quyền dẫn dắt cả đội tuyển quốc gia - khi HLV Akira Nishino từ nhiệm sau World Cup 2018 - lẫn đội tuyển O. Nhật Bản.
Với kinh nghiệm vốn có khi nhiều năm dẫn dắt các đội tuyển trẻ và từng làm trợ lý tại World Cup 2018, nên dù O.Nhật Bản không có nhiều thời gian rèn thể lực cũng như tập chiến thuật, HLV Moriyatsu vẫn biết cách điều chỉnh qua từng trận đấu.
Đặc biệt, ông luôn yêu cầu các học trò phải thi đấu với 120% năng lực. Trước trận đấu cùng O.Việt Nam, HLV Moriyatsu xác định, đội bóng của ông chỉ cố gắng từng trận và sẽ chuẩn bị tốt để giành 3 điểm trước thầy trò HLV Park Hang-seo.
Dĩ nhiên, trước O.Nhật Bản, các học trò của HLV Park Hang-seo càng phải thận trọng hơn, so với các trận đấu với Pakistan hay Nepal. Để đối phó với đội hình chiến thuật 3-6-1 của O.Nhật Bản, đòi hỏi các tuyến của O.Việt Nam phải thường xuyên duy trì cự ly đội hình, tổ chức tranh cướp và cố gắng thu hồi bóng ngay trên phần sân đối phương; hàng phòng ngự phải hết sức tập trung và có sự hỗ trợ, bọc lót cho nhau chặt chẽ. Trong đó, cần lưu ý đến mũi nhọn Maeda Daizel, có tốc độ bứt phá đoạn ngắn rất tốt khi chạy 50 mét chỉ mất 5,8 giây (theo trang Qoly, Nhật Bản).
Cũng đừng quên, với chiều cao 1,86 mét, trung vệ Ikataru Kou rất mạnh trong các pha không chiến và vô cùng nguy hiểm ở những tình huống tham gia tấn công. Trong tấn công, O.Việt Nam cần tận dụng tốt sự khéo léo và nhanh nhẹn trong các bài phối hợp 1-2 ở trung lộ, kết hợp những pha xuống biên và tạt nhanh, buộc hàng phòng ngự đối phương liên tục di chuyển nhằm tạo khoảng trống để các mũi nhọn băng lên dứt điểm.
Trước các học trò của HLV Moriyatsu đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội khoác áo đội tuyển Olympic và đội tuyển quốc gia Nhật Bản, chắc chắn, O.Việt Nam cần phải tập trung tối đa trong phòng ngự và biết chắt chiu từng cơ hội nhỏ trên mặt trận tấn công nếu muốn gặt hái một kết quả khả quan ở trận cầu quan trọng này.
NGUYÊN AN