Thể thao
Thể thao Đà Nẵng đầu tư đúng hướng
Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 8 (2018), đoàn Thể thao Đà Nẵng đã thi đấu xuất sắc và thành công toàn diện, cả về thứ hạng lẫn số huy chương vàng (HCV). Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Nguyễn Trọng Thao, Trưởng đoàn Thể thao Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi cùng Báo Đà Nẵng về vấn đề này…
Từ sự đầu tư đúng hướng của thành phố đã giúp Quần vợt Đà Nẵng thành công vang dội tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 8 (2018) khi 2 tay vợt Fodor Scilla (thứ 5, trái sang) và Phan Thị Thanh Bình (thứ 6, trái sang) giành trọn bộ 3 HCV ở các nội dung của nữ. Ảnh: PHÚC LINH |
* Từ thành công tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 8 (2018) của đoàn Thể thao Đà Nẵng, ông có những ý kiến đánh giá cụ thể như thế nào?
- Kết quả đạt được tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 8 đã khẳng định sự đầu tư đúng hướng của thể thao Đà Nẵng giai đoạn vừa qua. Trong đó, chính sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của lãnh đạo thành phố khi sớm phê duyệt “Kế hoạch chuẩn bị lực lượng VĐV tham dự Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018”, giúp Sở VH&TT có cơ sở để hằng năm chủ động xây dựng kế hoạch tập huấn, thi đấu, đầu tư mua sắm trang - thiết bị, cơ sở vật chất…
Nhờ đó, đoàn Thể thao thành phố có thể gặt hái thành tích rất khả quan tại đại hội. Bên cạnh đó, ngoài các chế độ tiền công, khen thưởng theo quy định; chế độ dinh dưỡng cho VĐV được áp dụng mức cao nhất theo quy định của Nhà nước, các VĐV Đà Nẵng còn được hưởng chế độ đãi ngộ đặc thù, theo Nghị quyết của HĐND thành phố.
Đây là động lực rất lớn cho VĐV phấn đấu tập luyện và thi đấu đạt thành tích cao. Ngoài ra, thành phố còn ưu tiên cho phép cử các VĐV trọng điểm, các bộ môn có thế mạnh đi tập huấn tại Hungary, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, nhằm giúp VĐV nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn thi để đạt thành tích cao tại đại hội.
Cùng với sự quan tâm của thành phố, phải kể đến đóng góp của xã hội với thể thao thành tích cao, thông qua việc các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tài trợ, hỗ trợ các giải thể thao với kinh phí lên đến hàng tỷ đồng. Nổi bật là với việc thành lập Trung tâm Đào tạo Quần vợt Đà Nẵng; công tác quản lý, huấn luyện và đào tạo VĐV chuyên nghiệp hơn; nguồn kinh phí đầu tư tăng và phần nào giảm kinh phí từ ngân sách thành phố. Điều này được thể hiện qua thành tích các VĐV đạt được tại đại hội.
* Tuy nhiên, vẫn có một số môn mũi nhọn như: Cử tạ, Judo, Taekwondo… chưa đạt kết quả như mong muốn. Vậy đâu là nguyên nhân và ngành TDTT đã đề ra hướng khắc phục như thế nào, thưa ông?
- Những môn mũi nhọn chưa đạt thành tích như mong đợi song kết quả này cũng nằm trong nhận định chung của Sở VH&TT và Trung tâm Huấn luyện - Đào tạo (HL-ĐT) VĐV, cùng với một số yếu tố khách quan.
Nếu các VĐV chủ lực của Judo bị chấn thương trong quá trình tập huấn nên không thể thi đấu thì sự chủ quan trong quá trình chỉ đạo thi đấu của Ban huấn luyện đội tuyển Taekwondo dẫn đến kết quả không cao.
Trong khi đó, việc nhận định sai, đánh giá thiếu chính xác về đối thủ nên Ban huấn luyện đội tuyển Cử tạ chỉ đạo VĐV thiếu hợp lý, khiến đội tuyển Cử tạ không thể hoàn thành chỉ tiêu huy chương như kế hoạch. Sau khi kết thúc đại hội, chúng tôi đã chỉ đạo Trung tâm HL-ĐT VĐV tổng kết, rút kinh nghiệm để đề ra phương hướng khắc phục, nhằm tiếp tục giữ vững vị thế môn thế mạnh, mũi nhọn của thể thao thành phố.
Xin cảm ơn ông!
NGUYÊN AN