Không ít CĐV và nhà báo nước ngoài cho rằng các trọng tài đã ứng dụng quá máy móc trong quả phạt đền ở tứ kết Asian Cup 2019.
Ký giả người Anh không hài lòng khi VAR được áp dụng trong tình huống 50/50. Ảnh chụp màn hình. |
"Ban đầu trọng tài không thổi phạt đền và đó không phải sai lầm gì đó rõ ràng và hiển nhiên. Trọng tài có thể thổi hoặc không", ký giả người Anh Alex Brotherton viết trên Twitter. "VAR không nên được dùng trong tình huống này. Nó chỉ nên được áp dụng ở những quyết định sai hoàn toàn của trọng tài chính. Nếu nó được dùng để sửa mọi sai lầm của trọng tài, trận đấu sẽ liên tục bị gián đoạn. Khi đó, sự chi li sẽ lấn át cảm xúc bóng tròn".
"Pha quay chậm cho thấy trung vệ Bùi Tiến Dũng đã đá vào bóng trước khi vô tình ngáng chân Ritsu Doan. Quyết định không thổi phạt đền của trọng tài bị thay đổi bởi VAR", Brotherton - ký giả của These Football Times - bổ sung.
Đồng tình với Brotherton, bình luận viên người Australia Rob Cornthwaite viết: "Tôi nghĩ trọng tài có thể thổi phạt đền, cũng có thể không. Trong những tình huống như thế, VAR không nên xuất hiện".
"Thôi nào, VAR không phải là để sửa lỗi. Nó là để trọng tài có cơ hội xem xét lại tình huống và đánh giá một lần nữa. Đó là điều đã được thực hiện nhưng trọng tài nên yêu cầu được xem lại video ngay lập tức chứ không phải đợi hơn một phút như thế", cây viết thể thao Tomas Danicek bình luận.
Cornthwaite còn "đá đểu" AFC. Tình huống VAR can thiệp khiến Việt Nam bị phạt đền được tài khoản chính thức của Asian Cup lý giải rằng: "Đã có lỗi". Cornthwaite chia sẻ bài đăng kèm bình luận mỉa mai: "Thật sâu sắc. Cảm ơn vì đã làm sáng tỏ vấn đề". Bên dưới, nhà báo Dan Ogunshakin của Fox Sports phản hồi: "Sai lầm của trọng tài dễ thấy ư? Tôi không nghĩ vậy". |
VAR khiến trọng tài từ chối bàn thắng của Maya Yoshida, trước khi mang về quả phạt đền để Ritsu Doan ghi bàn duy nhất, mang về chiến thắng 1-0 cho Nhật Bản. Thắc mắc về việc trọng tài để trận đấu diễn ra trong hai phút rồi mất thêm một phút để xem lại video nhận được nhiều sự quan tâm.
"Chỉ trích duy nhất là việc tại sao ba phút của trận đấu trôi qua một cách lãng phí chỉ để trọng tài đưa ra quyết định. Sau đó, hiệp hai chỉ có bốn phút bù giờ. Đáng ra trọng tài phải cho thêm thời gian", bình luận viên của kênh Fox Sports Brenton Speed nhận xét.
VAR khiến trọng tài hai lần thay đổi quyết định trong trận Nhật Bản - Việt Nam. Ảnh: Abu Dhabi Sports Council. |
"Trận đầu tiên có VAR và nó sẽ là chủ đề tranh luận lớn. Việc nó can thiệp vào bóng đá như thế này không bao giờ là tốt. Hãy hy vọng VAR sẽ không phải một yếu tố ảnh hưởng đến các trận đấu khác", phóng viên thể thao của hãng tin AAP (Australia) Ed Jackson bình luận.
"Thật đáng tiếc khi những quả phạt đền được thổi theo cách này. Họ có lẽ nên đưa một vài luật của môn futsal vào bóng đá và biến nó thành một môn thể thao không có va chạm", Stanley Bernard, một quan chức của giải vô địch bóng đá Malaysia, chia sẻ.
Theo luật, VAR chỉ được áp dụng trong trường hợp trọng tài sai lầm thấy rõ, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng như ảnh hưởng đến bàn thắng, phạt đền hay thẻ đỏ. Có thể thấy VAR áp dụng vào trường hợp này là đúng luật, trong khi tác động từ Bùi Tiến Dũng vào Ritsu vẫn còn gây tranh cãi.
Tổ VAR ở trận này gồm tổ trưởng Christopher Beath (Australia), cùng hai trợ lý Mohamed Taqi (Singapore) và Valeri (Italy). Nếu phát hiện ra sai lầm của trọng tài chính, tổ trưởng VAR sẽ thông báo qua bộ đàm. Công nghệ này vẫn gây tranh cãi nhiều nơi nó được áp dụng.
"Tôi không hiểu những gì vừa xảy ra ở trận Việt Nam - Nhật Bản. Họ đang thi đấu thì trọng tài xét lại pha bóng từ trước đó vài tình huống. VAR mang về phạt đền cho Nhật Bản sao? Như thế có bất công quá không?", tài khoản Twitter @_Shawsc giãi bày.
"Ngay trận đầu tiên được áp dụng, VAR đã cho thấy hạn chế thực tiễn. Chẳng có gì bất ngờ về điều đó", ký giả Steve Price của Forbes bày tỏ. CĐV Roy Allen cũng đăng lên Twitter: "Không bao giờ được phép thổi phạt đền quả đó. Cũng như nhiều công nghệ khác, VAR chỉ hiệu quả khi được con người sử dụng thông minh".
Theo VnExpress