Trao đổi với Reuters, Tiến sĩ Brian McCloskey, chuyên gia về An ninh Y tế toàn cầu và phòng, chống dịch bệnh cho rằng, còn quá sớm để lo ngại về một đợt bùng phát mới của Covid-19 ảnh hưởng đến Tokyo 2020 và cả khi chưa có vắc-xin điều trị, vẫn có thể đưa ra những biện pháp bảo đảm an toàn để Tokyo 2020 được tiến hành suôn sẻ.
Người phát ngôn Ủy ban tổ chức Tokyo Takaya Masa (ảnh) khẳng định, sự hợp tác chặt chẽ nhiều phía sẽ bảo đảm sự thành công cho Tokyo 2020. Ảnh: Syracuse |
Tiến sĩ Zachary Binney, chuyên gia về Dịch tễ học của Đại học Emory (Mỹ) - không giấu lo ngại: “Để tổ chức trở lại các sự kiện thể thao, cần chờ đợi cho đến khi có vắc-xin. Nếu chưa có vắc-xin, một sự kiện tập trung tới 50.000 hay 100.000 khán giả sẽ có mức độ rủi ro rất lớn”. Trong khi đó, dù hy vọng vắc-xin sẽ được sản xuất trong vòng 1 năm nhưng Tiến sĩ Jason Kindrachuk, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm (khoa Vi sinh Y học, Đại học Manitoba, Canada), người từng nghiên cứu về sự bùng phát của Ebola và SARS - thừa nhận, ngay cả một người dù được tiêm vắc-xin cũng cần có thời gian để kích hoạt hệ miễn dịch. Trong một phát biểu cùng BBC Sports, Giáo sư Devi Lalita Sridhar, Chủ tịch tổ chức Sức khỏe Cộng đồng Toàn cầu (Đại học Edinburgh, Scotland) cho biết, việc sản xuất thành công vắc-xin và nếu có vắc-xin vào mùa Thu, Tokyo 2020 có nhiều cơ hội được tổ chức an toàn. Ngược lại, điều này không chỉ tác động đến Tokyo 2020 mà còn có thể ảnh hưởng đến Olympic mùa Đông 2022, diễn ra tại Bắc Kinh 6 tháng sau đó.
Phát biểu trên nhật báo Japantimes (ngày 21-4), Giáo sư Kentaro Iwata, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Đại học Kobe (Nhật Bản) tỏ ra bi quan hơn khi khẳng định, Tokyo 2020 “không có khả năng diễn ra vào năm 2021” do thế giới vẫn chưa khống chế được Covid-19; trừ khi tổ chức “không có khán giả hoặc hạn chế số người tham gia các sự kiện”. Theo Giáo sư Iwata: “Nhật Bản có thể thành công nhưng không hẳn mọi quốc gia đều kiểm soát được dịch bệnh”. Vì thế, không ai có thể chắc chắn việc hơn 15.000 HLV, VĐV cùng hàng nghìn du khách nước ngoài không mang mầm bệnh đến Nhật Bản hoặc vẫn có khả năng, những người khác có thể mang mầm bệnh trở về quốc gia của mình, sau khi rời Nhật Bản.
Thế nhưng, trong cuộc trả lời phỏng vấn của Reuters, người phát ngôn của Ủy ban tổ chức Tokyo 2020 Takaya Masa xác nhận: “Chúng tôi đang tập trung toàn lực cho việc tổ chức thành công Tokyo 2020 vào mùa hè tới. Chúng tôi cảm thấy không thích hợp để trả lời những câu hỏi mang tính giả định. Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và Ủy ban tổ chức Tokyo 2020 thường xuyên trao đổi thông tin và hợp tác chặt chẽ với tổ chức Y tế thế giới để đề ra những biện pháp đối phó cần thiết để bảo đảm sự thành công của Tokyo 2020”.
BẢO AN