Lạc quan, cần có cơ sở

.

Trong buổi lễ ra mắt với vai trò Giám đốc Kỹ thuật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vào ngày 9-9, ông Yusuke Adachi nhanh chóng tạo được sự hứng khởi với phát biểu: “Mục tiêu đánh bại Nhật Bản luôn là giấc mơ của tôi.

Dù gặt hái được những thành công nhất định nhưng bóng đá Việt Nam nói chung, đội tuyển Việt Nam (áo đỏ, ảnh) nói riêng vẫn cần phải có một sự phát triển căn cơ, bền vững hơn nữa trong tương lai. Ảnh: ĐỨC CƯỜNG
Dù gặt hái được những thành công nhất định nhưng bóng đá Việt Nam nói chung, đội tuyển Việt Nam (áo đỏ, ảnh) nói riêng vẫn cần phải có một sự phát triển căn cơ, bền vững hơn nữa trong tương lai. Ảnh: ĐỨC CƯỜNG

Dù không dễ song tôi nghĩ, trong 30 năm tới, chúng ta có thể thực hiện được”. Trước đó, ở Đại hội thường niên khóa 8 (tháng 12-2019), VFF cũng từng đặt ra mục tiêu tham dự World Cup 2026 với đội tuyển bóng đá Việt Nam. Sự lạc quan là cần thiết nhưng không cần phải có cơ sở bởi bóng đá Việt Nam vẫn đang “xây nhà từ nóc”, theo cách nói của cố HLV Alfred Riedl, khi vị chuyên gia người Áo đang dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam.

Để phát triển và lần đầu tiên, đội tuyển quốc gia giành quyền tham gia vòng chung kết World Cup 1998, bóng đá Nhật Bản phải trải qua cả một quá trình xây dựng khoa học, có kế hoạch với nền tảng vững chắc từ đầu những năm 1990. Trong đó, Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản (JFA) cũng như Công ty tổ chức giải Bóng đá Chuyên nghiệp Nhật (J-League) thường xuyên điều chỉnh phương thức tổ chức để có được một mô hình hoàn chỉnh. Ngoài ra, chính sách nhập tịch dành cho các cầu thủ giỏi đến chơi bóng tại Nhật Bản cũng cởi mở và có thời điểm, trong đội hình của Nhật Bản có không ít cầu thủ gốc Brazil. Việc gắn bó với bóng đá Brazil bắt nguồn từ sự nhanh nhẹn, khéo léo của người Nhật, thay vì yếu tố sức mạnh như Hàn Quốc; qua đó, giúp các cầu thủ Nhật Bản rèn giũa và phát huy tốt hơn khả năng kỹ thuật của mình.

Ở Đông Nam Á, Thái Lan hiện là quốc gia có chiến lược phát triển bóng đá bền vững nhất. Từ năm 2015, rất nhiều tài năng trẻ của Thái Lan đã được gia nhập Học viện quốc tế Leicester (CLB Ngoại hạng Anh Leicester, thuộc sở hữu của tỷ phú Thái Lan Vichai Srivaddhanaprabha) nhằm chuẩn bị cho mục tiêu World Cup trong tương lai. Mới đây, 3 tuyển thủ Supachai Chaided, Supachok Sarachat và Suphanat Mueanta sẽ được tập huấn ngắn hạn tại Leicester City. Chưa kể, rất nhiều tuyển thủ Thái Lan đang là những trụ cột cho các CLB J-League 1. Thế nhưng, để đạt mục tiêu World Cup là thách thức rất lớn với bóng đá Thái Lan dù đến thời điểm hiện tại, Thái Lan vẫn là quốc gia có giải bóng đá chuyên nghiệp được tổ chức rất bài bản, sự phát triển bóng đá học đường được chú trọng cùng rất nhiều cầu thủ đẳng cấp châu lục.

Trong khi đó, theo chuyên gia Trịnh Minh Huế, dù VFF đã có nhiều cố gắng nhưng bóng đá Việt Nam chưa có sự chuyển biến đáng kể khi vẫn phát triển theo mô hình “hình chóp ngược”. Bên cạnh đó, tình trạng “một ông chủ, nhiều đội bóng” vẫn tồn tại. Ngay cả việc rất nhiều Trung tâm Đào tạo Bóng đá Trẻ được hình thành song “đầu ra” cho cầu thủ hết sức hạn chế do số lượng các CLB Chuyên nghiệp quá ít.

Ông Trịnh Minh Huế khẳng định: “Nếu bóng đá Việt Nam chưa xóa bỏ được mô hình “hình chóp ngược” thì việc thành - bại cũng chỉ dựa vào sự may - rủi, chứ tuyệt nhiên không xuất phát từ bản chất của một nền bóng đá phát triển theo quy luật chuyên môn”. Vì thế, ai cũng có quyền ước mơ nhưng để đạt được ước nguyện, bóng đá Việt Nam vẫn cần một sự phát triển căn cơ, chớ không chỉ hài lòng với hiện tượng thành tích như hiện nay.

BẢO AN

;
;
.
.
.
.
.