Không phải lần đầu tiên, sân cỏ Việt Nam mới chứng kiến cảnh tượng hãi hùng khi một cầu thủ bị đốn hạ bởi một đồng nghiệp ở phần sân đối diện. Và không ít những pha bóng triệt hạ như thế đã gây ám ảnh, không chỉ cho người xem mà ngay cả với giới chuyên môn.
Nhật báo Ole (Argentina) đã đưa tin với tiêu đề khá gay gắt về pha phạm lỗi thô bạo của Ngô Hoàng Thịnh đối với Đỗ Hùng Dũng. (Ảnh chụp màn hình) |
Cách đây 6 năm, tiền vệ đầy triển vọng Trần Anh Khoa (SHB Đà Nẵng) phải vĩnh viễn giã từ sự nghiệp cầu thủ, từ cú vào bóng đầy ác ý của trung vệ Sông Lam Nghệ An Quế Ngọc Hải. Chiều 23-3 vừa qua, một pha bóng tương tự ở trận CLB TP. Hồ Chí Minh - Hà Nội FC trong khuôn khổ V-League 2021 đã tái diễn trên sân Thống Nhất khi tiền vệ Đỗ Hùng Dũng bị gãy hai xương cẳng chân gồm 1/3 dưới xương chày và xương mác của chân phải sau pha vào bóng bằng cả 2 chân của tiền vệ đội chủ nhà Ngô Hoàng Thịnh.
Đáng nói hơn, hình ảnh xấu xí này đã được truyền thông thế giới rất quan tâm khi khá nhiều nhật báo hoặc các trang web thể thao đã đăng tải thông tin về sự cố nói trên. Cùng với việc đăng tải đoạn video kèm lời cảnh báo người xem vì “độ nhạy cảm” như trang web So Foot (Pháp), trang web Futbolred (Colombia) còn chú thích: “Một chấn thương kinh hoàng” hay nhật báo Marca (Tây Ban Nha) giật tít: “Một pha bóng kinh dị ở Việt Nam”. Trang SPORTbible (Anh) có bài viết với tiêu đề: “Đội trưởng đội tuyển Việt Nam bị gãy chân sau một trong những pha vào bóng tồi tệ nhất mà chúng tôi từng thấy”. Gay gắt nhất khi trên nhật báo Ole (Argetina) đưa tin cùng đoạn video với tiêu đề: “Cú đá khát máu”!
Những mất mát là điều chắc chắn khi đội tuyển Việt Nam sẽ không có sự phục vụ của Hùng Dũng trong hành trình sắp tới tại vòng loại World Cup 2022. Hình ảnh của bóng đá Việt Nam ít nhiều cũng trở nên xấu xí hơn sau pha bóng đậm chất bạo lực này. Dĩ nhiên, Ngô Hoàng Thịnh sẽ nhận án kỷ luật thích đáng nhưng việc giải quyết bạo lực sân cỏ vẫn là mối quan tâm rất lớn đối với giới chuyên môn cũng như khán giả Việt Nam.
Không thể phủ nhận, bóng đá là môn thể thao mang tính đối kháng rất cao và chấn thương là một phần tất yếu. Thế nhưng, cần phân định rạch ròi giữa sự quyết liệt, khát vọng giành chiến thắng với sự thô bạo, những pha vào bóng ác ý, mang tính triệt hạ. Đã có những ý kiến biện minh cho lối chơi “quyết liệt” và không chỉ của Ngô Hoàng Thịnh. Song sự “quyết liệt” ấy phần nào nói lên sự kém cỏi của cầu thủ trong cả kỹ năng chơi bóng lẫn nhận thức về mức độ nguy hiểm có thể gây ra cho đối thủ. Điều này bộc lộ rõ những hạn chế rất lớn trong công tác đào tạo cầu thủ trẻ, mà Quế Ngọc Hải, Ngô Hoàng Thịnh chỉ là một trong hàng trăm, hàng nghìn sản phẩm của cách thức đào tạo ấy.
Đã đến lúc, bóng đá Việt Nam cần mạnh mẽ hơn trong việc nói “Không” với bóng đá bạo lực!
Trong đó, các trung tâm đào tạo trẻ, các CLB cũng như đội ngũ HLV cần thay đổi suy nghĩ “giành chiến thắng bằng mọi giá” bằng suy nghĩ “giành chiến thắng bằng lối chơi hiệu quả nhưng không thể thiếu đạo đức”! Và ngay ở các giải đấu trẻ, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng như các trọng tài cần xử lý nghiêm khắc với những hành vi phản thể thao, bạo lực để tạo nền nếp ngay từ đầu cho các cầu thủ trẻ. Bên cạnh đó, ngoài sự dũng cảm của các trọng tài trong điều hành các giải đấu chuyên nghiệp, những nhà tổ chức cần sớm ban hành những án phạt thật nặng, cả về kinh tế dành cho các cầu thủ có hành vi bạo lực. Nếu không, những lời kêu gọi về đạo đức, tinh thần Fair play… chỉ là vô nghĩa!
Liên quan đến chấn thương của Hùng Dũng, Ban Kỷ luật (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam - VFF) ban hành án phạt đối với tiền vệ Ngô Hoàng Thịnh. Theo đó, áp dụng Khoản 3, Điều 39 Xâm phạm thân thể trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, Ban Kỷ luật phạt Hoàng Thịnh số tiền là 40 triệu đồng và đình chỉ tham gia các trận đầu trong hệ thống thi đấu của VFF đến hết ngày 31-12-2021. Ngoài ra, Hoàng Thịnh sẽ phải thực hiện đền bù với chấn thương của Hùng Dũng theo Điều 4 của Khoản 39 này. |
Sáng 24-3, ca phẫu thuật của Đỗ Hùng Dũng kéo dài 90 phút đã thành công và sức khỏe của tiền vệ Hà Nội FC đang ổn định. Bác sĩ Phạm Quốc Hùng, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cho biết, Đỗ Hùng Dũng cần 5-6 tháng để tập nặng trở lại. Về thời gian dự kiến hồi phục theo từng mức độ của Hùng Dũng, bác sĩ Hùng cho biết sau 40 ngày có thể bỏ nạng để tập sức chân, sau 3 tháng bắt đầu chạy bộ để tập thể lực. Như thế, những lo ngại ban đầu về thời gian dưỡng thương kéo dài đến 1 năm của Hùng Dũng được loại bỏ. |
BẢO AN