Những năm qua, công tác xã hội hóa thể thao góp phần đáng kể vào sự phát triển của Thể thao Đà Nẵng. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Nguyễn Trọng Thao đã có cuộc trao đổi với Báo Đà Nẵng về những thành quả cũng như những vướng mắc của tiến trình xã hội hóa thể thao trên địa bàn thành phố.
ABG 5 (2016) là một trong những sự kiện quảng bá rất tốt hình ảnh của Đà Nẵng đến với bạn bè quốc tế. TRONG ẢNH: Trận bóng ném giữa đội tuyển nữ Việt Nam (áo đen) và đội tuyển nữ Pakistan (áo đỏ) trong trận tranh Huy chương Đồng. Ảnh: ANH VŨ |
* Ông đánh giá như thế nào về đóng góp của việc xã hội hóa thể thao vào thành tựu chung của thể thao Đà Nẵng thời gian qua?
- Việc Đà Nẵng trở thành 1 trong 5 trung tâm thể thao hàng đầu của Việt Nam có phần đóng góp đáng kể của các cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước. Từ đó, Đà Nẵng tổ chức thành công nhiều sự kiện thể thao quốc tế như Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG 5, 2016) hay các giải thi đấu thường niên như Cuộc thi IRONMAN 70.3, Cuộc thi Marathon quốc tế Đà Nẵng… Mặt khác, cùng với xu hướng phát triển của xã hội, công tác xã hội hóa thể thao, phong trào thể thao quần chúng phát triển tốt, thông qua việc ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân tài trợ kinh phí tổ chức các giải thể thao; nhiều doanh nghiệp, cá nhân đầu tư nhiều công trình thể thao, thu hút hàng ngàn lượt người đến tập luyện, góp phần hạn chế tệ nạn xã hội và nâng cao đời sống tinh thần, sức khỏe của quần chúng.
* Trong quá trình thực hiện xã hội hóa thể thao, có những khó khăn, vướng mắc nào cần tháo gỡ?
- Có nhiều điều kiện thuận lợi song tiềm năng phát triển kinh tế - thể thao của Đà Nẵng vẫn chỉ gắn với loại hình du lịch thể thao như nghỉ dưỡng, khám phá, mạo hiểm... thông qua việc tổ chức các sự kiện. Một thực tế cần thừa nhận là hầu hết các doanh nghiệp tại Đà Nẵng là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do ảnh hưởng của Covid-19 nên việc vận động các doanh nghiệp tham gia vào công tác xã hội hóa và tài trợ kinh phí trong lĩnh vực thể dục - thể thao càng thêm khó khăn.
Ở giác độ chủ quan, các ngành, các cấp còn lúng túng trong việc hướng dẫn nhà đầu tư và tham mưu UBND thành phố tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định; đồng thời, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan còn hạn chế; các thông tin về dự án xã hội hóa thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách chưa được cập nhật kịp thời nên việc triển khai thường bị vướng mắc, thời gian thực hiện các thủ tục thường bị kéo dài. Mặt khác, cơ sở vật chất, quỹ đất và các điều kiện phục vụ cho các hoạt động thể dục - thể thao cơ bản được cải thiện nhưng vẫn còn rất thiếu so với nhu cầu thực tế.
* Ngành thể dục - thể thao có đề xuất gì để góp phần tăng hiệu quả của việc xã hội hóa thể thao?
- Để giải quyết những vướng mắc, vừa qua, Sở VH&TT đã đề nghị UBND thành phố kiến nghị với Trung ương nghiên cứu điều chỉnh một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; liên quan đến việc phân cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết. Qua đó, tạo điều kiện cho các đơn vị cấp quận, huyện, phường, xã, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, thu hút nguồn lực xã hội trong các hoạt động thể dục - thể thao. Đồng thời, chúng tôi đề xuất UBND thành phố xem xét, giao Sở VH&TT tiếp tục chủ trì, phối hợp các ngành, đơn vị liên quan xây dựng Đề án đẩy mạnh công tác xã hội hóa thể thao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn tiếp theo, trình UBND thành phố xem xét phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ giá trị văn hóa, thể thao ngày càng cao của mọi tầng lớp nhân dân, trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.
* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
NGUYÊN AN